Theo TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, việc ban hành Luật Giáo dục đại học là rất cần thiết. Bởi sau 25 năm đổi mới của đất nước và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, giáo dục đại học (GDĐH) nước ta đã từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo. Trong khi đó, phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH lại chậm được thay đổi, chưa đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên. Điều này dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa mang tính cạnh tranh cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của các ngành kinh tế mũi nhọn.
Về mặt văn bản pháp luật, các quy phạm pháp luật hiện hành về GDĐH còn rất phân tán, hiệu lực pháp lý không cao. Nhiều vấn đề quan trọng của GDĐH như tổ chức, hoạt động giáo dục (đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục), tài chính, tài sản cho GDĐH, thanh tra, kiểm tra; quản lý nhà nước được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật rời rạc, chưa tạo nên được một hệ thống pháp luật chặt chẽ. Vì thế, ta chưa có hành lang pháp lý vững chắc cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH nước nhà theo tinh thần Nghị quyết Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Để có căn cứ pháp lý cho việc đổi mới quản lý nhà nước về GDĐH và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở thì các quy định trong lĩnh vực này cần được thống nhất, đúc kết thành quy định trong văn bản dưới luật, và luật hóa trong Luật Giáo dục đại học. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với hệ thống GDĐH trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật Giáo dục đại học để điều chỉnh các hoạt động GDĐH phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; đồng thời quản lý tốt hơn hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên đánh giá về dự thảo Luật này rất nhiều ý kiến của cán bộ cũng như các chuyên gia trong ngành giáo dục đều cho rằng còn chung chung, chính sách không rõ ràng. GS Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, cho rằng dự thảo còn nhiều nội dung lỏng lẻo. Hoạt động GDĐH mở ra rất nhiều hình thức nhưng dự thảo này mới chỉ có các quy định về hoạt động giáo dục theo hình thức chính quy. Các hình thức giáo dục khác như: tại chức, mở rộng, học từ xa phải bao nhiêu năm, chính sách tuyển sinh… chưa thấy có sự điều chỉnh trong luật này. Đối với việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH, dự thảo chưa làm rõ nội dung vai trò của quy hoạch và nguyên tắc quy hoạch, viết như một câu khẩu hiệu không có ý nghĩa điều chỉnh. Thêm vào đó, dự luật hoàn toàn không đề cập gì đến trường ĐH có yếu tố nước ngoài.
TS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng muốn xây dựng Luật Giáo dục đại học cần phải có tổng kết để chỉ rõ mục tiêu hướng tới trung hạn, nhất là những bức xúc cần tác động để xây dựng luật này.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng thì thẳng thắn cho rằng dự thảo luật này chưa đáp ứng được yêu cầu. Không thể có quy định chung cho tất cả các trường mà phải có cơ chế riêng cho các trường công lập, dân lập, tư thục. Cần phải bổ sung, cụ thể hóa, tạo ra hành lang pháp lý cho từng loại hình trường.
Cần “khoán 10” trong giáo dục đại học
GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thẳng thắn cho rằng, dự thảo luật cần có sự tu chỉnh một cách cẩn thận, nếu không muốn nói là viết lại một số đoạn. Có hai vấn đề lớn mà luật cần phải hướng tới. Thứ nhất là xác định lại quyền quản lý của Nhà nước và quyền tự chủ của các trường đại học cả công lẫn tư giống như thế giới đang làm chứ không nên “ôm” quá nhiều quyền của các trường. Thứ hai, phải có chính sách mạnh dạn hơn đối với các trường tư thục.
“Hiện dự luật nói về vấn đề này vẫn bị chi phối bởi tư tưởng quản cho chặt chứ chưa tính tới mặt “bung” ra. Ví dụ như thành lập trường đại học làm sao phải cần đến Thủ tướng, Bộ trưởng cho phép? Các nước khác người ta thành lập trường đăng ký như một công ty. Còn ta thời kỳ này có lẽ chỉ cần đăng ký với Bộ thôi”, GS Trần Phương nói.
“Tôi đề nghị bỏ quản lý hành chính về thành lập, sáp nhập, giải thể trường. Việc phân cấp quản lý cho tỉnh theo tôi là không ổn bởi UBND tỉnh sẽ lại giao về cho Sở GD- ĐT chứ họ không có thời gian mà nghĩ tới trường đại học… Việc Bộ trưởng công nhận hiệu trưởng thì câu hỏi đặt ra là vậy Bộ trưởng biết gì về hiệu trưởng mà công nhận hay không công nhận? Các trường nay bầu hiệu trưởng này, mai bầu hiệu trưởng khác việc gì phải xin bộ?”, ông Phương phân tích.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch HĐQT Đại học Thành Tây không ngần ngại khi yêu cầu cần phải đề ra một cơ chế “khoán 10” trong GDĐH. Để làm được điều này, phải xóa bỏ ngay 3 rào cản quyền tự chủ của đại học. Đó là bỏ thi đại học. Hai là bỏ chỉ tiêu tuyển sinh. Ba là bỏ quy định về xin mở mã ngành, chuyên ngành.
GS Trần Phương cũng đề nghị bỏ chỉ tiêu tuyển sinh. Theo quan điểm Bộ GD-ĐT đưa ra thì đây là “phanh hãm” để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhưng GS Trần Phương cho rằng nếu cứ để sinh viên phải ở trọ một cách tạm bợ như hiện nay, không có thư viện để đọc sách như hiện nay thì có “hãm” đến 10 năm nữa chất lượng GDĐH vẫn vậy.
“Tôi đề nghị hẳn một chương về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Như hiện nay thì bộ vẫn coi các trường như con nhỏ phải “bú”. Bộ giữ quyền cho phép mở ngành là quá bảo thủ, hãy bãi bỏ quyền đó, ghi hẳn: Trường có quyền mở ngành đào tạo, thiết lập chương trình đào tạo cho ngành mới mở”, GS Trần Phương nói.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đây là một luật chuyên ngành nên phải căn cứ trên Luật Giáo dục, cụ thể hóa những nội dung về GDĐH trong luật khung. Nhưng có những vấn đề của Luật Giáo dục không còn phù hợp thì Luật GDĐH phải có nhiệm vụ chỉnh sửa. Đồng thời đối với những nội dung về tài chính, ngân sách, nhân sự..., Luật Giáo dục đại học cũng phải tuân thủ những luật khung trong từng lĩnh vực liên quan. Về vấn đề tự chủ, mong muốn của bộ cũng là từng bước giao quyền tự chủ cho các trường.
“Nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay cho thấy bộ cũng không dễ thực hiện vì “quản thì chết, buông thì loạn”. Muốn phân cấp, giao quyền tự chủ cũng phải theo lộ trình tương ứng với năng lực của các cơ sở GDĐH. Cơ sở nào có đủ điều kiện đến đâu sẽ phân cấp đến đấy; còn bộ chỉ tập trung làm chính sách”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Lý Hà