Các trường nghề tại Nghệ An triển khai linh hoạt việc dạy và học

Dịch bệnh kéo dài đã tác động đến việc dạy và học của các nhà trường, trong đó có cả trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Vì vậy, các nhà trường đã cân nhắc, có nhiều giải pháp để tổ chức cho sinh viên trở lại trường.

Chú thích ảnh
 Tiết dạy trực tuyến của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. 

Lớp quốc tế Đức ngành Quản trị lễ tân, Trường Cao đẳng nghề du lịch và thương mại Nghệ An có 16 học viên, thời kỳ “căng nhất” có tới 70% số sinh viên mắc COVID-19. Thời gian đó, lớp phải chuyển sang học bằng hình thức trực tuyến với các bài học về lý thuyết. Sau đó, lớp chuyển sang hình thức dạy học trực tiếp, tăng số tiết để đảm bảo tiến độ năm học. 

Tương tự, lớp Kỹ thuật chế biến món ăn quốc tế cũng quyết định cho sinh viên đi học trở lại ngay giữa mùa dịch bởi đây là thời điểm các em chuẩn bị thi giữa kỳ. Để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường thực hiện giải pháp “3 tại chỗ”: cùng ăn, cùng ở, cùng học tập tại trường cho sinh viên và giảng viên. Chương trình dạy học được sắp xếp lại theo từng mô-đun riêng để dễ dàng bố trí giáo viên tăng cường tại nhà trường.

Thầy Bùi Văn Đức, Trưởng Khoa Kỹ thuật chế biến nấu ăn, Trường Cao đẳng nghề du lịch và thương mại Nghệ An cho biết, chương trình học hiện nay có 70% số tiết thực hành. Do đó, Khoa cố gắng bố trí đủ số tiết cho sinh viên, nếu học bằng hình thức online sẽ không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, ngoài việc thực hiện cho sinh viên ăn, ở tại trường, trong những tiết thực hành, Khoa sẽ bố trí các em theo từng nhóm nhỏ. Nếu dịch bùng phát, Khoa tập trung khoanh vùng để không ảnh hưởng đến sinh viên khác. 

Với hơn 2.000 sinh viên, Trường Cao đẳng nghề du lịch và thương mại Nghệ An đã linh hoạt để tổ chức sắp xếp việc dạy và học. Theo Trưởng phòng Đào tạo Phan Đăng Trường, thời điểm sinh viên chưa thể đến trường, nhà trường tổ chức dạy học online các tiết học về lý thuyết. Khi dịch bệnh ổn định, nhà trường sẽ chia thành nhiều ca học để đảm bảo giãn cách.

Thầy giáo Phạm Xuân Công, Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã linh hoạt dạy học bằng hình thức trực tuyến tiết học thực hành bằng chiếc máy tính xách tay và ứng dụng camera tự động trên máy. Để thao tác thuận tiện, giúp sinh viên tiếp thu toàn bộ bài giảng, thầy đứng chếch camera, một tay vừa thao tác với thiết bị dạy học, một tay điều chỉnh máy quay có thể quay trực tiếp từng chi tiết.

Quy trình được thực hiện liên tục trong nhiều tháng nay nên dù khó khăn hơn dạy học trực tiếp nhưng thầy Phạm Xuân Công vẫn tổ chức tiết học bình thường, hầu như không bị gián đoạn. Qua màn hình vi tính, dù đang là F0, nhiều em vẫn có thể theo dõi giờ học, tương tác với thầy giáo trên lớp.

Do đặc thù riêng, việc dạy học online chỉ là giải pháp tạm thời của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Nhà trường ưu tiên dạy học trực tiếp vì 70% chương trình học là các tiết thực hành. Vì thế, thời gian qua, trừ thời điểm dịch bệnh rất phức tạp, sinh viên của trường đều đi học bình thường. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhà trường tăng cường các giải pháp phòng dịch.

Thầy giáo Nguyễn Công Thắng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhà trường yêu cầu các khoa xây dựng lại kế hoạch đào tạo phù hợp, linh hoạt với hoàn cảnh mới. Với các tiết lý thuyết chuyên ngành, nhà trường dạy học trên nền tảng trực tuyến.  Với các môn thực hành cơ bản, nhà trường yêu cầu giáo viên dựng clip để dạy học cho sinh viên. Đối với các môn thực hành chuyên sâu, nhà trường tận dụng "thời gian vàng" tổ chức cho sinh viên học tập tại trường. Ngoài các ngày trong tuần, nhà trường dạy thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật để kịp chương trình đào tạo...

Thực tế cho thấy, đặc thù của các trường nghề là phải học kỹ năng và bắt buộc sinh viên phải thành thục. Vì vậy, trước khi tới trường học trực tiếp, nhiều trường nghề đã khảo sát để kiểm tra phần kiến thức của sinh viên khi học trực tuyến. Qua đó, kịp thời bố trí thời gian, chương trình đào tạo bổ sung cho sinh viên kiến thức và kỹ năng chưa đầy đủ.

Các ngành có hàm lượng lý thuyết nhiều như kế toán, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn viên du lịch… có thể áp dụng hình thức học online. Những ngành học như ô tô, điện tử, cơ điện…người học phải được thực hành bằng giác quan vật lý nên phải tiếp xúc với máy móc mới có thể học được. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đã và đang linh hoạt trong công tác dạy - học, chủ động ứng phó khi có ca F0 trong trường học.

Chú thích ảnh
Các tiết thực hành ở Trường Cao đẳng Du lịch Thương mại Nghệ An được tổ chức theo từng nhóm nhỏ để hạn chế lây lan dịch bệnh. 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần một năm học qua, việc tổ chức dạy học của nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải gián đoạn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mới, việc thích ứng là điều mà các trường đang hướng tới để chuyển từ hình thức dạy học trực tuyến sang trực tiếp, ưu tiên tạo mọi điều kiện tốt nhất, an toàn nhất để sinh viên được học, thực hành tại trường.

Hiện nay, ngoài các giải pháp để đảm bảo an toàn cho sinh viên, một số trường đã xây dựng chương trình tư vấn hỗ trợ sinh viên trở lại trường…Về lâu dài, đây cũng là xu hướng chính của các nhà trường bởi nếu nghỉ học lâu, kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, cơ hội thực hành, thực tập của sinh viên mà còn kéo theo những hệ lụy về tâm lý khác. Trong khi đó, dịch bệnh chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Tin, ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Trồng cỏ nhung giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế
Trồng cỏ nhung giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế

Từ năm 2008 đến nay, mô hình trồng cỏ nhung giúp nhiều gia đình ở ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN