Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thu nhập của giáo viên chưa được 5 triệu đồng/tháng

Ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Bình Định đã có buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời ý kiến cử tri thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. 

Tại buổi tiếp xúc, cử tri thành phố Quy Nhơn kiến nghị các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Nhiều cử tri quan tâm, nêu lên những vấn đề của ngành Giáo dục như: Quy định trong Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới; tiền lương của giáo viên quá thấp, đời sống giáo viên gặp khó khăn; nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng… 

Trả lời về kiến nghị tiền lương còn thấp, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã nêu ra những bất cập đối với chính sách tiền lương nói chung, trong đó có ngành Giáo dục.

Theo Bộ trưởng, tiền lương khởi đầu của bậc mầm non và tiểu học rất thấp, dù có trình độ, bằng cấp, lúc mới vào cũng tính là trung cấp với hệ số lương 1,86. Do đó, tính thu nhập quy ra tiền lương giáo viên mầm non và tiểu học chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng; giáo viên bậc trung học cơ sở có mức lương khoảng 2,9 triệu đồng/tháng; bậc trung học phổ thông là 3,2 triệu đồng/tháng. Cộng với phụ cấp, thu nhập của giáo viên chưa được 5 triệu đồng/tháng. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kiến nghị và tham mưu cho Chính phủ về cải cách, tăng tiền lương cho giáo viên phù hợp nhất.

Đối với ý kiến cử tri về nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng, nghiêm trọng và phức tạp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, khi xảy ra bạo lực học đường, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường, từ Ban Giám hiệu đến giáo viên chủ nhiệm. Do đó, phải chủ động phát hiện sớm mâu thuẫn của học sinh, nắm bắt tâm sinh lý để tư vấn, hóa giải những mầm mống dẫn đến bạo lực học đường. Các giáo viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, kiềm chế để tránh những trường hợp dùng bạo lực với trẻ. Để nạn bạo lực học đường được đẩy lùi, Bộ trưởng đề nghị các bậc phụ huynh và toàn xã hội cần quan tâm, chung tay cùng ngành Giáo dục. 

Về Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Chương trình chú trọng đến kỹ năng sống, dạy làm người và phát triển phẩm chất, còn kiến thức có thể học ở trong sách giáo khoa hoặc ở nhiều kênh, tài liệu khác nhau. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phát huy tính sáng tạo của thầy, cô giáo và sự chủ động của học sinh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang yêu cầu các địa phương đẩy nhanh rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp với điều kiện và quy mô phát triển giáo dục của từng địa phương. Cùng với đó là triển khai sáp nhập những điểm trường nhỏ lẻ để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị dạy học, tránh lãng phí.

Tin, ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên các thí sinh thi THPT quốc gia tại Đắk Lắk
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên các thí sinh thi THPT quốc gia tại Đắk Lắk

Sáng 25/6, hơn 20.000 thí sinh tỉnh Đắk Lắk cùng các thí sinh cả nước đã bắt đầu thi Ngữ văn - môn đầu tiên của Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN