Lo về tính công bằng của các mã đề
Trước kỳ thi, dư luận đã tranh cãi nhiều về việc Bộ GD - ĐT nghiêng nhiều về hình thức thi tốt nghiệp THPT, vì có tới 4/5 bài thi trắc nghiệm. Do đó việc dạy học bậc phổ thông sẽ có lệch lạc trong đánh giá. Bên cạnh đó, tâm lý của nhà trường, thí sinh vẫn nặng theo hướng học gì thi nấy.
Với thực tế đề thi vừa qua cho thấy, việc lo ngại này dường như có căn cứ. Đơn cử như đề thi môn Địa lý. Với đề thi như hiện nay, thì sẽ làm mất khẳ năng tư duy, kỹ năng học địa lý của học sinh.
Còn với đề thi môn Ngữ văn, nếu ở nhiều kỳ thi trước đây, đề thi môn Ngữ văn là điểm sáng trong tất cả đề thi quốc gia bởi sự độc đáo, bất ngờ, tính thời sự; thì đề năm nay chỉn chu và an toàn; mất hẳn yếu tố mới mẻ, bất ngờ và thú vị.
Phải chăng, Bộ GD-ĐT đã đặt nặng tính an toàn, thiếu sáng tạo và làm mất tính độc đáo nên có của các đề thi?
Bên cạnh đó, liệu có đảm bảo các mã đề có độ khó, dễ như nhau; hay có mã đề khó, mã đề dễ?
Ông Sái Công Hồng trả lời câu hỏi của các phóng viên. |
Trả lời vấn đề này, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: Để xây dựng các mã đề thi cho kỳ thi năm nay, Bộ chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa. Khi ngân hàng đề thi đã được chuẩn hóa tất cả những câu hỏi, thì đề thi được thử nghiệm với chính các em học sinh lớp 12, qua đó, xem xét độ dễ, khó của các câu hỏi, sự phù hợp với thí sinh.
Các đề thi đã được thử nghiệm trong ba tháng (tháng 4,5,6), Bộ GD - ĐT chọn 50 trường THPT, với khoảng 20.000 học sinh lớp 12, để thử nghiệm chuẩn hóa cân bằng độ khó giữa các đề thi. Đối với các đề thi trắc nghiệm khách quan có 24 mã đề khác nhau, được xuất phá từ 4 đề gốc. Mỗi phòng thi không xếp quá 24 thí sinh, vì vậy mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề khác nhau.
Trong các mã đề thì có sự phân bố cấp độ thông hiểu, vận dụng, nhận biết, nâng cao. Với 10 câu hỏi nhận biết, thì chỉ có 10 cấp độ khác nhau. Do đó không có chuyện đảo lung tung các câu từ câu 1 đến câu 40. Nếu có đảo thì trong phạm vi cùng cấp độ.
Trả lời về sự đồng đều của các đề thi, ông Sái Công Hồng khẳng định: “Với kinh nghiệm 200 năm làm khảo thí của Hoa Kỳ, họ cũng phải làm dần dần. Không phải một sớm một chiều mà làm được tất cả. Bộ áp dụng đề thi chuẩn hóa của Hoa Kỳ để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Các câu hỏi đã được thử nghiệm, khi thử nghiệm xong Hội đồng đề đã rút câu hỏi thi trong ngân hàng để tạo ra các câu hỏi khác nhau, trên cơ sở đó các chuyên gia sẽ chọn ra đề thi. Nếu so sánh câu này với câu kia là không ổn, mà phải nhìn chung là độ khó của đề thi là tương đương nhau".
Ông Sái Công Hồng cũng cho rằng, có lẽ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thi này mới chứng minh được các đề này khó dễ với nhau như thế nào. Bộ GD – ĐT đã làm theo quy trình quốc tế, cố gắng duy trì dần dần. Năm nay có thể chưa tròn trịa nhưng năm tới sẽ tốt hơn; mục đích đều hướng tới công bằng, khách quan và nhẹ nhàng cho các thí sinh.
Việc giao kỳ thi tốt nghiệp cho Sở là “đúng vai”
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định: Xuất phát từ phương thức tổ chức thi nên kỳ thi tốt nghiệp THPT giao cho Sở chủ trì là đúng vai. Bởi các sở đã nhiều năm kinh nghiệm chủ trì thi cử.
Về tính nghiêm túc của công tác coi thi, theo ông Mai Văn Trinh, trong mỗi một phòng thi có hai cán bộ coi thi, 1 của trường THPT, 1 của trường ĐH. Thậm chí giáo viên trường THPT được đảo không coi thi học sinh mình đang dạy. Lãnh đạo các điểm thi có thành phần các trường ĐH, CĐ. Về việc xây dựng bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan là phù hợp với kỳ thi, đối tượng dự thi. Mục tiêu phạm vi không phải chọn tinh hoa, mà đại chúng.
“Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi cuối cùng sau 12 năm học. Còn từng học kỳ, năm học, kiểm tra đánh giá nhà trường vẫn thường xuyên định kỳ theo hình thức tự luận. Bộ đã chỉ đạo rất rõ về vấn đề này. Do đó, các kỹ năng đó sẽ được giải quyết một cách căn bản trong công tác dạy và học”, ông Mai Văn Trinh khẳng định.
Trước câu hỏi về việc thí sinh năm nay vi phạm ít hơn so với năm ngoái bởi kỳ thi được giao về địa phương; ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc tổ chức thi bằng bài thi trắc nghiệm khách quan đã triệt tiêu việc mang tài liệu vào phòng thi. Thí sinh vi phạm ít hơn năm ngoái là sự thật khách quan, là điều kỳ thi làm được. Kết quả của kỳ thi sẽ là câu trả lời khách quan nhất.
“Mặt khác với 24 học sinh/phòng thi và 2 cán bộ coi thi là phù hợp. Nếu cán bộ coi thi quan sát được mọi diễn biến tâm lý không bình thường của học sinh, sẽ được phát hiện được các vi phạm. Đây là giải pháp ngăn ngừa các thiết bị công nghệ cao; tiến tới một kỳ thi an toàn hơn”, ông Trinh nói.
Về các vấn đề khác, theo Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga: Kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ của Sở GD – ĐT, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là nhiệm vụ tự chủ của các trường đại học, cao đẳng. Kỳ thi năm 2017 đã đạt được những mục tiêu đổi mới thi và tuyển sinh, vì vậy năm 2018, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ diễn ra như năm nay.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ đại học, Bộ GD – ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh năm nay vẫn áp dụng điểm sàn, nhưng từ năm 2018 sẽ có các điều kiện bổ sung. Cụ thể, các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đặc biệt quy định công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên, công khai tỷ suất đầu tư để đào tạo sinh viên trong một năm học. Đồng thời phải cung cấp cho xã hội, thí sinh sự đầu tư của nhà trường tính tương đương với mức học phí thu để thí sinh và xã hội lựa chọn phù hợp với mức điểm thi của mình. Lúc đó Bộ không cần thiết quy định điểm sàn nữa., mà để trường tự lựa chọn.