Nhiều địa phương quá tải
Năm học 2023 - 2024, dự kiến số trẻ vào lớp 1 ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân lên đến 1.000 học sinh. Tuy nhiên, phường chỉ có Trường Tiểu học Bình Trị Đông A với khả tiếp nhận tối đa 280 học sinh đầu cấp. Vì vậy, trên 700 học sinh lớp 1 tại phường này phải học “nhờ” ở các phường lân cận, đi học xa hơn. Phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, năm học mới có trên 680 học sinh vào lớp 6 nhưng phường chưa có Trường Trung học Cơ sở. 20 năm kể từ khi thành lập quận, học sinh Trung học Cơ sở cư trú tại phường Bình Trị Đông B phải sang các trường ở 4 phường lân cận để học.
Toàn quận Bình Tân tăng gần 8.000 học sinh trong năm học mới 2023 - 2024, trong đó, học sinh lớp 6 tăng cao khiến áp lực tuyển sinh đầu cấp Trung học Cơ sở càng trở nên căng thẳng hơn. Lứa "rồng vàng" với lượng học sinh tăng cao đã được dự báo từ 5 năm trước khi các em vào lớp 1. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho biết, khi đó bậc Tiểu học rất vất vả để xoay xở được chỗ học cho học sinh, trong điều kiện vừa phải thực hiện chương trình mới. Năm học này, áp lực đó tiếp tục dồn lên đến bậc Trung học Cơ sở. Dù đã tận dụng hết các phòng chức năng để làm phòng học nhưng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận vẫn ở mức 52% ở bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở 30%. Sĩ số học sinh/lớp bậc Tiểu học trung bình 42,3 học sinh/lớp, Trung học Cơ sở 43 học sinh/lớp.
Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, số phòng học được xây dựng, sửa chữa bổ sung hằng năm không thể đáp ứng kịp số học sinh tăng cơ học. Mặt khác, với việc thực hiện cuốn chiếu Chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến trong 5 năm tới, thiếu trường bậc Trung học Cơ sở là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trong quy hoạch chung, các vị trí xây dựng trường học được ấn định cho từng bậc học, việc điều chỉnh dự án từ xây trường Tiểu học, Mầm non thành trường Trung học Cơ sở khó khăn và kéo dài.
Nhiều năm nay, các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân của huyện Bình Chánh luôn chịu áp lực lớn trong việc giải quyết chỗ học cho học sinh trước tình trạng tăng dân số cơ học ở mức cao do tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trường lớp được đầu tư xây dựng nhưng không thể theo kịp tốc độ tăng học sinh. Thống kê số học sinh trong độ tuổi đi học cho thấy, ở các xã này đang cần 1.801 phòng học nhưng hiện có chỉ 1.243 phòng. Thực tế đặt ra nhu cầu cấp bách đối với huyện là xây thêm 558 phòng học cho các xã này.
Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, toàn huyện hiện có hơn 130 trường (89 trường công lập, 41 trường ngoài công lập), cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập tại địa phương. Dù vậy, để đảm bảo trường, lớp theo quy định, huyện cần có khoảng 170 trường mới nữa. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư công có hạn, huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Trong quy hoạch chung của huyện, hiện có 84 vị trí được quy hoạch xây dựng trường học với tổng diện tích gân 100 ha, tập trung ở các xã có nhu cầu cao.
Áp lực về trường, lớp còn xảy ra ở rất nhiều địa phương khác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Thủ Đức và các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn là những địa phương có số học sinh tăng nhiều nhất, bởi ở đây quá trình đô thị hóa nhanh, dân số cơ học khu vực này tăng cao. Nhu cầu chỗ học tăng cao nhưng rất nhiều dự án xây dựng, mở rộng trường học chậm tiến độ. Khó khăn lớn nhất là do vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, hiện quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai; cùng với đó, một số dự án chưa bố trí vốn, chưa duyệt kế hoạch hoặc điều chỉnh dự án.
Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn nhấn mạnh đến việc bảo đảm chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn. Giải pháp tình thế nhưng trở thành giải pháp chính mà các trường triển khai là tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Áp lực về chỗ học lớn nhất vẫn là ở cấp học Tiểu học và Trung học Cơ sở. Bậc Tiểu học có 80% học sinh được học 2 buổi/ngày, nhiều trường có sĩ số trên 45 học sinh/lớp; bậc Trung học Cơ sở hơn 76% học sinh học 2 buổi/ngày. Trong điều kiện đó, đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những khó khăn với ngành Giáo dục Thành phố.
Khẩn trương xây dựng trường, lớp
Với quy mô 36 phòng học, Trường Trung học Cơ sở Bình Trị Đông B (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 sẽ cơ bản giải quyết chỗ học cho học sinh trên địa bàn phường. Học sinh của phường sẽ thoát cảnh học “nhờ” ở những phường khác như 20 năm nay. Cùng với trường này, quận Bình Tân đã khởi công xây dựng 5 trường học mới, trong đó có 4 trường Tiểu học, một trường Mầm non. Dự kiến, cuối năm 2023 quận sẽ tiếp tục khởi công xây dựng thêm 6 trường Tiểu học. Đưa vào sử dụng 12 công trình trường học vào năm tới sẽ góp phần giảm áp lực về chỗ học ở các trường trên địa bàn cũng như khu vực lân cận. Dù không thể đạt được mức 100% như kỳ vọng nhưng xây thêm trường mới sẽ góp phần tăng tỷ lệ học sinh của quận Bình Tân được học 2 buổi/ngày ở các bậc học lên khoảng 70 - 80%.
“Việc cùng lúc triển khai đến 12 dự án xây dựng trường học cho thấy quyết tâm của lãnh đạo quận trong việc đẩy nhanh tiến độ các công trình lĩnh vực giáo dục. Nếu trước đây các dự án xây dựng trường chỉ được triển khai khi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, có đất sạch, nay quận có chủ trương “giải phóng tới đâu xây tới đó”. Chỉ cần giải phóng được mặt bằng ở khu vực chính (khu phòng học), quận sẽ triển khai xây dựng, các khu vực khối phụ như nhà ăn, nhà xe, sân chơi… sẽ tiếp tục được giải phóng và xây dựng sau”, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân chia sẻ.
Xây dựng trường, lớp là giải pháp căn cơ để giải quyết chỗ học cho học sinh trong bối cảnh học sinh tăng cao hằng năm. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các dự án trường học gặp khó do thiếu quỹ đất sạch và thiếu vốn đầu tư.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết, Sở đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn. Trong đó, Sở tham mưu Thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách đẩy nhanh các công trình xây dựng trường học, đặc biệt là ở các Quận 7, Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh để tăng cường chỗ học trước tình hình tăng dân số cơ học. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, Thành phố có một số cơ chế, giải pháp đặc thù ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục hành chính để thu hút các nguồn lực đầu tư vào giáo dục. Hiện nay, nhiều địa phương đang đẩy mạnh triển khai các chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Căn cứ vào dự kiến quy mô dân số độ tuổi đi học và số phòng học hiện có, dự kiến từ nay đến năm 2025, Thành phố cần xây thêm hơn 7.700 phòng học mới. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo đến tháng 12/2022 toàn thành phố đã đạt 294 phòng. Nhưng, tỷ lệ này không đông đều, có quận, huyện đạt rất thấp, thậm chí, ngay cả trong kế hoạch đến năm 2025 nhiều địa phương cũng xác định không thể đạt được chỉ tiêu này.
Trước tình trạng các dự án xây dựng trường học chậm tiến độ, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện phải rà soát, làm tốt công tác dự báo xa, quy hoạch xây dựng trường lớp.
Bài cuối: Củng cố đội ngũ giáo viên