Nâng cao tỷ lệ chuyên cần
Cũng như nhiều trường học ở vùng cao khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu, những ngày này, các thầy, cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè nỗ lực đến từng nhà học sinh để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em trở lại trường theo đúng lịch.
Hơn 10 năm gắn bó với công tác giáo dục ở mảnh đất biên giới Pa Vệ Sủ, cô giáo Đỗ Thị Tuyết (quê ở Yên Bái), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Pa Vệ Sủ không thể nhớ đã bao lần lặn lội cùng đồng nghiệp tới từng bản vận động học sinh đến lớp.
Cô Tuyết chia sẻ, từ đầu tháng 8, cô cùng đồng nghiệp đã tập trung tại trường để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Do ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, học sinh ở đây có nhiều khó khăn về vật chất và giao thông. Đặc biệt, nhiều gia đình không có điện thoại di động nên việc thông tin về lịch học gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, các thầy cô phải đến từng nhà, gặp trực tiếp phụ huynh, học sinh tuyên truyền để các em ra lớp đúng lịch khai giảng năm học mới.
Năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Pa Vệ Sủ có 8 lớp học với 288 học sinh là người dân tộc La Hủ, Mảng; trong đó có 201 học sinh ở bán trú. Thầy Phan Thanh Hội, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, rút kinh nghiệm từ năm học trước, để tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt cao, trường đã triển khai kế hoạch năm và phân công giáo viên phụ trách các bản phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân tuyên truyền phụ huynh, học sinh về chế độ, chính sách, vai trò của việc học tập. Tuy nhiên, năm 2021, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1277 phê duyệt danh sách dân tộc còn gặp khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, học sinh dân tộc La Hủ không còn được hưởng hỗ trợ dành cho dân tộc thiểu số rất ít người (do dân số đã vượt quá 10.000 người). Điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyên cần của nhà trường.
Thầy Phan Thanh Hội cho rằng mặc dù dân tộc La Hủ không còn nằm trong danh sách dân tộc thiểu số rất ít người nhưng đây là dân tộc còn kém phát triển, nhà trường kiến nghị cấp trên quan tâm xem xét có chính sách đặc thù riêng đối với dân tộc này.
Năm học này, huyện biên giới Mường Tè có trên 14.000 học sinh. Trong đó, bậc Mầm non là 3.500 học sinh, Tiểu học 5.500 học sinh, Trung học Cơ sở 4.000, còn lại là khối Trung học Phổ thông. Sau thời gian nghỉ hè, từ đầu tháng 8, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường huy động giáo viên trở lại trường và tới gia đình học sinh để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp theo đúng thời gian quy định.
Theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè Trương Quốc Hoàn, để công tác huy động học sinh ra lớp đạt hiệu quả, ngay từ đầu tháng 8, Phòng xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho các trường. Đến nay, tỷ lệ học sinh ra lớp đối với lớp 1 đạt hơn 80%, số còn lại do các em ở xa, thời tiết mưa nhiều, đi lại khó khăn. Với phương châm "không để học sinh bỏ học rồi mới đi vận động", Phòng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch vận động; chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trưởng bản, các tổ chức đoàn thể của xã, thôn tuyên truyền học sinh đến trường đúng thời gian.
Đảm bảo điều kiện
Cùng với công tác huy động học sinh ra lớp, việc chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, nơi ăn nghỉ bán trú và trang thiết bị đồ dùng học tập cũng được các địa phương trong tỉnh quan tâm.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho hay, huyện đã rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên đứng lớp. Với những nơi thiếu giáo viên, trước mắt, huyện ký hợp đồng và bố trí giáo viên đứng lớp. Huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo gấp rút hoàn thành các hạng mục được đầu tư sửa chữa, nâng cấp để chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất cho năm học mới.
Năm học này, huyện Tam Đường đã phê duyệt sửa chữa, nâng cấp 11 công trình trường, lớp học với tổng kinh phí 9,1 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Minh Chiều, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Đường, ngay sau khi kết thúc năm học 2022 - 2023, Phòng đã rà soát cơ sở vật chất bị hư hỏng, xuống cấp; đồng thời tham mưu UBND huyện ra quyết định phê duyệt nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp phòng học, công trình phụ trợ. Đến nay, mọi công trình đã cơ bản hoàn tất. Cùng với đó, Phòng chỉ đạo các trường dọn dẹp trường, lớp, khu vực xung quan; cắt tỉa hoa, cây cảnh, tạo khuôn viên trường xanh - sạch - đẹp... Đặc biệt, Phòng yêu cầu các trường phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động học sinh ra lớp đúng thời gian quy định.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Lai Châu dự kiến có 337 trường học với 5.424 lớp và 151.417 học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tối đa học sinh ra lớp, đặc biệt là học sinh thuộc các xã khu vực III và khu vực II chuyển sang khu vực I, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên đảm bảo cơ cấu phù hợp; bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng đảm bảo số lượng giáo viên thiếu, đặc biệt giáo viên Tiếng Anh, Tin học và các môn học mới; đẩy nhanh tiến độ, sửa chữa, khởi công xây dựng các công trình để kịp thời bàn giao, đưa vào sử dụng cho năm học mới; mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị phòng học Tin học, Ngoại ngữ, trang bị đồ dùng đồ chơi cho trẻ mầm non...