Băn khoăn trước phương án thi THPT quốc gia 2020

Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về phương án thi THPT quốc gia 2020. Đây là vấn đề được bàn luận khá nhiều tại thời điểm này khi ngày trở lại trường học của học sinh vẫn chưa định do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Giữ kỳ thi chung, giảm bớt môn thi?

Em Nguyễn Thị Mai Anh, học sinh lớp 12 trường THPT Phúc Lợi, Hà Nội cho biết: "Em vẫn học trực tuyến qua truyền hình, làm bài tập cô giáo giao trên mạng internet. Nhưng về việc kỳ thi sẽ được tổ chức như thế nào em khá lo lắng".

Mai Anh cho biết, em mong muốn Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi chung như mọi năm. Vì nếu Bộ chỉ xét tốt nghiệp thì các trường đại học sẽ có kỳ thi riêng. Đây là kỳ thi sẽ khó hơn và tỷ lệ chọi cao hơn.  

Còn chị Dương Thị Phương Anh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Trong điều kiện hiện nay, nếu các trường đại học tổ chức thi riêng sẽ quay lại kịch bản của những năm trước: Mất thời gian, tốn kém sức người, sức của. Nếu các trường đại học buộc phải xét tuyển, cần có chỉ tiêu công khai, minh bạch tránh tiêu cực. Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT tính đến phương án này thì cần thông tin nhanh để tránh tình trạng thầy cô, học sinh ôn thi cấp tập, rất áp lực.  

Chú thích ảnh
Học sinh, phụ huynh mong Bộ GD&ĐT sớm có phương án thi THPT quốc gia 2020. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Đặt vấn đề cách ứng xử thế nào với kỳ thi THPT quốc gia 2020 từ rất sớm, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, Hà Nội nhận định: Bộ GD&ĐT giảm chương trình học chỉ là một giải pháp trong tình thế hiện nay. Nhưng đối với học sinh lớp 12 lại đối diện với 2 kỳ thi rất quan trọng. Kết quả thi cần có chất lượng để tham gia xét tuyển vào đại học. Nếu thi 3 môn bắt buộc và 1 tổ hợp thi thì quá nặng với các em ở thời điểm này.  

“Kỳ thi THPT quốc gia nên giữ lại 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và cắt 2 bài thi tổ hợp. Với thi tuyển sinh lớp 10 thì môn thứ 4 nên bỏ. Khi học sinh đến trường được, mới đảm bảo được lượng kiến thức. Các em ngồi ở nhà học online, kiến thức không đảm bảo. Giảm bớt hành trang đi thi cho các em trong lúc này là rất nên”, thầy Khang nói.  

Còn thầy Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết: Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia 2020 sẽ bị động và khó đảm bảo công bằng vùng miền khác nhau. Các trường đại học sẽ khó tuyển sinh trong năm nay vì từ trước hơn 90% các trường đã sử dụng kết quả này để xét tuyển. Nhưng trong trường hợp bất khả kháng, nhà trường vẫn phải đảm bảo việc dạy và học online chất lượng. Trong khi thực tế nhiều trường chưa đảm bảo việc dạy và học online, thậm chí có nhiều nơi chưa làm. Bộ GD&ĐT cần sớm đưa ra quy chế xét tốt nghiệp và các trường đại học sớm công bố phương án tuyển sinh để nhà trường, học sinh chủ động.

Thầy Tùng cũng cho rằng: Bộ GD&Đ tổ chức thi bình thường như mọi năm, cần đảm bảo công bằng giữa các tỉnh, các trường. Điều này đồng nghĩa với việc ngay từ bây giờ phải đảm bảo kiểm soát chất lượng dạy và học online. Đề thi đúng tinh thần tinh giản kiến thức. Tuy nhiên, thầy Tùng khẳng định, phương án thi nào hiện nay đều bị động và giải pháp chỉ là tình thế.  

Trường đại học chuẩn bị phương án nhưng vẫn mong thi chung

Là trường đại học đầu tiên đưa phương án tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2020, PGS TS  Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Chủ trương chung của trường ĐH Bách khoa Hà Nội là tổ chức kỳ thi cuối tháng 7. Đó là 1 kỳ thi trước kỳ thi THPT quốc gia 2 tuần. Trường đảm bảo kỳ thi gọn gàng, đề thi không quá khó, đảm bảo tính phân loại để nhà trường chọn được học sinh đủ kiến thức vào học.

Về kỳ thi riêng, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến học sinh đến và thi trong 1 ngày để tránh chi phí tốn kém. Trường dự kiến sơ tuyển để hạn chế số lượng đến thi và  số lượng sơ tuyển gấp 2 số lượng thí sinh cần tuyển.  

“Từ đó, trường tổ chức thi sẽ đảm bảo chất lượng hơn. Tất cả thí sinh có cơ hội như nhau vì tiếp tục dự thi THPT quốc gia, vẫn phải tốt nghiệp THPT thì mới là trúng tuyển”, PGS TS Hoàng Minh Sơn cho biết.  

Đánh giá về việc học của học sinh phổ thông hiện nay, PGS TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, học sinh không đến trường nhưng vẫn học ở nhà và hoàn toàn có khả năng ôn tập ở nhà.  

“Thời gian học ở nhà nhiều, một số em học ở nhà hiệu quả hơn mà không phải đi học thêm. Thi tốt nghiệp THPT là kiểm tra kiến thức và đánh giá kết quả học phổ thông thế nào, cuối cùng mới xét tuyển đại học. Mỗi kỳ thi có ý nghĩa nhất định, không thể vì không học đầy đủ mà không tổ chức thi. Vì dịch COVID-19, học sinh không đi thi được, ngành giáo dục cần có quyết định khác. Còn nếu học sinh trở lại trường học bình thường, không tổ chức thi là không có căn cứ”, PGS Hoàng Minh Sơn cho hay.  

Đến nay, một số trường đại học mong muốn một kỳ thi chung. Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Trúc Lê cho biết: Mỗi phương thức thi đều có ưu, nhược điểm. Thực hiện phương án thi nào phải có sự ổn định, lâu dài. Năm nay, Bộ có thể xem xét cách thức tổ chức thi nhưng về lâu dài vẫn phải tránh sự bất ổn trong xã hội. Tôi vẫn ủng hộ phương án tiếp tục thi.

 

Lê Vân/ Báo Tin tức
Khảo sát chất lượng dạy học trên internet, chuẩn bị cho thi THPT quốc gia  
Khảo sát chất lượng dạy học trên internet, chuẩn bị cho thi THPT quốc gia  

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố đề tham khảo thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2020, một số địa phương đã có hướng dẫn ôn tập tới các trường trong bối cảnh học sinh còn nghỉ vì dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN