Luật thông thoáng, nhưng chưa thể áp dụng
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã có những quy định thông thoáng tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tự chủ đại học; đồng thời, được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy tự chủ đại học trên diện rộng. Tuy nhiên, vì chưa có sự đồng bộ với các luật liên quan, nên các quy định pháp luật về tự chủ đại học vẫn chưa thể phát huy tác dụng, đặc biệt khi thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản.
Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 trao thẩm quyền khá rộng cho cơ sở giáo dục đại học trong việc quyết định cơ cấu lao động tổng thể, cũng như về từng vị trí việc làm; tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân sự trong trường; quyết định nhân sự quản trị, quản lý. Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đa số nhân sự trong trường là viên chức, phải tuân thủ các quy định của Luật Viên chức hiện hành (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020). Vì thế, thủ tục tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức trong trường đại học công lập không thể vượt ra ngoài quy định của Luật Viên chức. Với tư cách là viên chức, lương và phụ cấp của giảng viên hiện nay được thực hiện theo chức danh nghề nghiệp và thang, bậc lương tương ứng (như các chức danh nghề nghiệp viên chức khác)”.
Ở lĩnh vực tài chính, bên cạnh các quy định theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, các cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bà Vũ Thị Lan Anh cho biết: “Việc sử dụng tài sản của các trường còn chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... Nhìn chung, các quy định của các pháp luật liên quan này chưa có những đặc thù cho giáo dục đại học, vì thế, còn mâu thuẫn với Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong các hoạt động liên quan đến mua sắm thiết bị, đầu tư công, xây dựng cơ bản ở các cơ sở giáo dục đại học...”.
Bà Vũ Thị Lan Anh lấy dẫn chứng tại khoản 2 Điều 66 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 cho phép đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên thì Hội đồng trường, Hội đồng đại học được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Điểm g khoản 2 Điều 16 và điểm d khoản 3 Điều 20 cũng tiếp tục khẳng định thẩm quyền quyết định đầu tư cho Hội đồng trường và Hiệu trưởng. Tuy nhiên, trên thực tế những quy định tiến bộ này khó thực hiện do vướng quy định tại Luật Đầu tư công.
Điều 17 và Điều 39 Luật Đầu tư công quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó không có quy định thẩm quyền của cơ sở giáo dục đại học công lập. Cũng theo Luật Đầu tư công, vốn đầu tư công gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (tức là khoản thu hợp pháp ngoài ngân sách như Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định), những dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công thì phải theo Luật Đầu tư công, tức là thẩm quyền quyết định không thuộc về cơ sở giáo dục đại học công lập.
Nhanh chóng sửa luật
Theo GS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh: “Để thực hiện tốt tự chủ đại học thì một hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng là điều kiện cần thiết và tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền tự chủ một cách đầy đủ và toàn diện cho cơ sở giáo dục đại học, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của nhà trường trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, cần nhanh chóng sửa đổi các luật chuyên ngành như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Ngân sách và các luật về thuế, tài chính... Trong quá trình thực hiện trình tự sửa đổi theo quy định đòi hỏi một khoảng thời gian khá dài, do đó Quốc hội và Chính phủ cần có ban hành một hành lang pháp lý đặc thù cho hoạt động tự chủ tại các trường đại học được Chính Phủ, Bộ ngành đánh giá tốt trong thực hiện đề án thí điểm tự chủ”.
Bà Vũ Thị Lan Anh đặt vấn đề, liệu cơ sở giáo dục đại học với quyền tự chủ về nhân sự có thể "vượt rào" để thu hút người tài cho công tác đào tạo và nghiên cứu, như ở các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến hay không? Về vấn đề này, cần sửa đổi đồng bộ với Luật Viên chức, pháp luật về ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để trao quyền tự chủ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học công lập.
GS Trần Đông Phong cho rằng: “Trong tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 vẫn khẳng định, cần phải đầu tư cho các đại học trong đó các đại học được Chính phủ cho thí điểm tự chủ, nhưng thực chất ngân sách cắt gần như hoàn toàn và điều này trở thành rào cản lớn cho việc nâng cao chất lượng đại học tại Việt Nam, làm giảm động lực tự thân phát triển của các trường đại học trọng điểm quốc gia. Khung hành lang pháp lý cho việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục đại học còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập đối với chính sách đầu tư cho giáo dục, đây là những nguyên nhân chính dẫn tới thực tế trên".
Bài cuối: Sẽ gỡ điểm nghẽn về luật