Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tổng số có 612.283 thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên Hệ thống, chiếm 92,7% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển và 61,1% so với thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Như vậy, 117.795 thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1.
Trước đó, năm 2022, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trên Hệ thống là 463.025/567.419 thí sinh trúng tuyển (chiếm 81,6%).
Tỷ lệ nhập học là chỉ số thật nhất ghi nhận số lượng sinh viên chọn theo học ở các trường đại học. Nhìn từ số liệu tuyển sinh năm 2022, 2023 cho thấy, nhiều thí sinh dù có trong danh sách trúng tuyển nhưng vẫn không chọn nhập học, mỗi năm có khoảng trên 100 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1.
Nhiều lý do khiến thí sinh không chọn đăng ký vào đại học hay từ chối xác nhận nhập học như: Thay đổi mục tiêu tương lai, đi du học, học nghề, xuất khẩu lao động, đi làm ngay hoặc muốn nhập học vào trường khác bằng nguyện vọng bổ sung... Đáng chú ý là nhóm lý do liên quan đến yếu tố tài chính. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, tỷ lệ nhập học thấp chủ yếu rơi vào vùng trung du, miền núi nơi còn nhiều khó khăn.
Những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận. Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.
Từ ngày 9/9 đến tháng 12/2023, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh các đợt bổ sung (nếu còn chỉ tiêu) theo quy định. Cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước ngày 31/12.
Các thí sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển bổ sung vào các ngành, trường còn chỉ tiêu cần theo dõi thông tin về quy trình đăng ký, phương thức xét tuyển trên trang thông tin của các trường và thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn.