Trả thù nhà, đền nợ nước
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh quê ở thôn Đồng Kênh, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, quê ông nằm trong vùng tạm chiếm. Khi ấy, phong trào chiến tranh du kích ở Đồng Kênh phát triển rất mạnh, vì thế quân Pháp kiên quyết tập trung lực lượng để tiêu diệt, những trận càn diễn ra liên tiếp.
Trong một trận càn của địch vào tháng 10/1950, du kích Đồng Kênh đã chiến đấu anh dũng, bẻ gãy được trận hành quân của địch và bắt sống một tên quan Ba Pháp. Nhưng cha ông là đội phó đội du kích đã anh dũng hy sinh. Năm ấy, cậu bé Rinh 8 tuổi, em gái chỉ mới hai tuổi.
Từ khi cha mất và lớn lên một chút, khi miền Bắc đã hòa bình (1954), miền Nam còn trong chiến tranh, cậu bé Rinh đã nuôi ý chí phải đi bộ đội để giải phóng miền Nam, phục vụ cho đất nước và trả thù nhà. Mặc dù được miễn đi nghĩa vụ quân sự vì là con liệt sĩ, khi đang học cấp 2, ông đã lén khám nghĩa vụ quân sự ở trường, năm 1961 thì nhập ngũ. Những năm sau đó, ông vào chiến trường miền Nam cho đến tận ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Văn Rinh giới thiệu với Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng về mũi tiến công của Sư đoàn 325 trong chiến dịch Hồ Chí Minh khi Đại tướng thăm Sư đoàn sau 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu |
Tướng Rinh tham gia chiến đấu tại chiến trường B5 (Đường 9 - Bắc Quảng Trị) với cương vị Trung đoàn phó Trung đoàn 3, đoàn B25, Quân khu Trị Thiên. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là Tham mưu phó Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang). Suốt cuộc đời binh nghiệp, tham gia nhiều trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông nhớ nhiều về chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Chiến thắng trong chiến dịch Mậu Thân và Quảng Trị buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, và chiến dịch Hồ Chí Minh đã được tiến hành sớm hơn dự định.
“Mặc dù có tới một triệu quân ngụy và 55 vạn quân Mỹ nhưng địch đã thất bại nặng nề trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Việc đánh bại quân Mỹ ở Khe Sanh, nơi tập trung hỏa lực mạnh của Mỹ, quân thiện chiến là lính dù và thủy quân lục chiến là những đơn vị chiến lược đã khiến địch phải rút chạy. Trận phản kích của ta ở Cửa Việt cũng đánh bại tiểu đoàn của Mỹ.
Chiến thắng ở chiến dịch Mậu Thân chúng ta đã đập tan chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải thay đổi chiến thuật sang Việt Nam hóa chiến tranh (dùng người Việt trị người Việt, quân Mỹ rút ra nhưng chi viện tối đa hỏa lực cho ngụy). Thế nhưng khi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào thắng lợi thì thắng lợi đó củng cố hơn nữa khả năng và thời cơ có thể giải phóng miền Nam.
Cho đến thắng lợi của chiến dịch năm 1972, nổi bật là giải phóng Quảng Trị, trong đó có 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị một lần nữa đã thay đổi cục diện giữa ta và địch, tạo tiền đề cho hội nghị ở Paris ký kết hiệp định về chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó, Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam.
Sư đoàn 325 tiến vào giải phóng thành phố Huế ngày 25/3. Ảnh: Tư liệu |
Tháng 3/1975, sau khi giải phóng Huế, Đà Nẵng, cánh quân duyên hải theo dọc đường 1 thần tốc vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là trận đánh cuối cùng với nhiều đơn vị tham gia như cánh quân hướng Đông, Bắc, Tây Nam, hội tụ sức mạnh của cả dân tộc, sức mạnh quân sự, chính trị, các thứ quân, quyết tâm giải phóng miền Nam. Tin vui giải phóng liên tiếp theo bước chân của quân giải phóng: 16/4 giải phóng Phan Rang, 19/4 giải phóng Phan Thiết, từ 26 - 29/4 đánh căn cứ Nước Trong, 30/4 từ mọi hướng các cánh quân tiến vào Sài Gòn, mục tiêu là Dinh Độc Lập”, tướng Rinh nhớ lại.
Trưa ngày 30/4/1975, tại dinh thự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, lá cờ của nước Việt Nam độc lập đã tung bay trên nóc tòa nhà Dinh Độc Lập. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước ca khúc khải hoàn.
Mừng đất nước đổi mới
“Từ đó cho đến nay, hơn 40 năm trôi qua, đất nước ta đã có nhiều thay đổi. Đảng ta đã tiến hành đổi mới trên 30 năm, đường lối đổi mới đã tạo cho đất nước sự thay đổi toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, mặc dù còn nhiều khó khăn. Đây là điều thực sự rất vui mừng.
Sự thay đổi đã tạo cho đất nước ta diện mạo mới, thế và lực mới, hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao. Các nước trong khu vực và phần lớn các nước trên thế giới đã biết đến Việt Nam và nói đến Việt Nam thì bạn bè thế giới đều ghi nhận có một sự chuyển biến mạnh mẽ, sau những năm dài đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Hiện Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều nước. Địa vị, tiếng nói của ta đã khác trước, các nước lớn cũng đã có cái nhìn khác về chúng ta”, tướng Rinh khẳng định đầy tự hào.
Trải qua nhiều năm chiến tranh, nên hòa bình là ước mơ, là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Nhân dân ta luôn yêu chuộng hòa bình, Việt Nam muốn làm bạn bè với tất cả thế giới. Nhưng người dân Việt Nam, từ gái, trai, người già, trẻ nhỏ cũng sẽ quyết tâm bảo vệ, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ một khi đất nước bị xâm phạm. Thực tế, lịch sử ngàn năm qua của dân tộc ta cũng đã chứng minh điều đó.
“Hiện nay, tình hình trên Biển Đông có những diễn biến phức tạp, người dân cũng rất bức xúc. Nhưng Hoàng Sa là của Việt Nam, điều này không thể thay đổi. Tại vùng biển Trường Sa, các nước cần tuân thủ nghiêm quy ước về Luật Biển và cam kết quốc tế. Thực tế, Trung Quốc chưa khi nào thôi thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Nhưng quan điểm của Đảng ta, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam rất rõ ràng, những vấn đề về Biển Đông được giải quyết bằng con đường hòa bình, kiềm chế về quân sự. Nhưng nếu có sự xâm phạm lãnh thổ thì buộc chúng ta sẽ phải chống trả. Mình có đủ sức mạnh, điều kiện để bảo vệ chủ quyền. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tướng Rinh khẳng định.