Claude Chabrol là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất và có "công trình" làm việc kỳ vĩ nhất của điện ảnh Pháp với trên 80 bộ phim được trình chiếu.
Nhận xét về ông, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã từng nói: “Chabrol giống như Balzac trong kỹ năng mô tả xã hội. Ông cũng giống Rabelais về khả năng trào lộng và cá tính quyết liệt. Nhưng trên tất thảy, ông đã thể hiện mình trong các bộ phim như nó vốn có trong đời”.
Claude Chabrol là một trong những người đầu tiên mở ra một thời kỳ mới cho nền điện ảnh Pháp lúc bấy giờ, gọi là thời kỳ New Wave (Làn sóng mới), một bước tiến mang lại những chuyển biến sâu sắc đến điện ảnh châu Âu với việc phá vỡ các quy tắc về trường quay truyền thống và những ràng buộc khắt khe.
Claude Chabrol sinh ngày 24/6/1930 tại Paris (Pháp). |
Cùng với Francois Truffaut và Jean-Luc Godard, ông là một thần tượng của trào lưu Làn sóng mới. Ông được đặc biệt nhớ đến qua những bộ phim gay cấn, hồi hộp, mang màu sắc kinh dị, và những sự chỉ trích gay gắt đối với giới nhà giàu.
Claude Chabrol sinh ra trong một gia đình có cha là dược sĩ. Lúc trẻ, ông học văn chương và dược, trước khi theo đuổi sự nghiệp biên kịch và đạo diễn phim. Trong những năm 1950, ông còn là một cây bút phê bình của tạp chí Cahiers du Cinema, một tạp chí có sức ảnh hưởng rất lớn ở Pháp.
Năm 1958, Claude Chabrol đã cho ra đời tác phẩm điện ảnh đầu tiên có tên gọi "Le Beau Serge". Ngay lập tức, bộ phim này đã gây chấn động dư luận. Le Beau Serge kể về một chàng thanh niên quay lại ngôi làng nơi anh đã lớn lên ở Sardent (cũng chính là quê hương của Chabrol), và cố cứu vãn cuộc hôn nhân của người bạn thân nhất đã trở thành kẻ nghiện rượu sau khi phát hiện con mình bị hội chứng Down. Bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao và mang lại doanh thu lớn.
Sau đó, Le Beau Serge đoạt giải Grand Pix tại Liên hoan phim Locaro và được các nhà phê bình điện ảnh ghi nhận như "bản tuyên ngôn" nghệ thuật mở ra một thời kỳ mới trong trào lưu "Làn sóng mới". Chabrol còn nổi tiếng với nhiều bộ phim như “The Unfaithful Wife”, “The butcher”, “This man must die”…
Trong sự nghiệp làm phim khổng lồ với hơn 80 phim, Chabrol luôn thích ứng phong cách sống và làm phim mang những chủ đề theo biến đổi thời gian. Ông thường làm những phim đen tối đầy hỗn loạn dường như tương phản với hình ảnh lịch lãm, vui vẻ của chính ông ngoài đời. Những sự mô tả của ông về giới nhà giàu của nước Pháp thường gây cảm giác không dễ chịu cho người xem, khi nó phơi bày sự tham lam và tính tàn nhẫn của những gia đình đua nhau tìm cách phô bày thể diện trong khi cố gắng che đậy các bê bối.
Nhận xét về cách mổ xẻ vấn đề của Claude Chabrol, nhật báo công giáo La Croix từng nói: "Claude Chabrol là một đạo diễn hiếm hoi đã mạnh bạo lột trần những mảng tối trong xã hội Pháp, đặc biệt là trong giới thượng lưu, với những điều xấu xa, giảo trá mà người ta cố tình che đậy dưới một lớp sơn hào nhoáng".
Bản thân Claude Chabrol thì lại cho biết, ông thích khai thác khía cạnh ngu xuẩn của con người hơn là khía cạnh thông minh của họ, vì "Khác với sự thông minh, sự ngu si của con người không bao giờ có giới hạn". Chabrol cũng từng tuyên bố quan niệm của ông về nghề đạo diễn: "Nếu chỉ học để biết nghề đạo diễn, tôi tin chỉ cần 4 tiếng, nhưng làm được đạo diễn là sự học vô tận".
Ngoài lĩnh vực điện ảnh, ông cũng đóng góp trong lĩnh vực truyền hình với bộ phim tài liệu The Eye of Vichy (năm 1993) với nội dung về thời kỳ Pháp bị chiếm đóng.
Ngoài vai trò đạo diễn, Claude Chabrol còn tham gia diễn xuất trong các phim của ông, kể cả một số phim của những đạo diễn khác. Hình ảnh cuối cùng của ông trên màn ảnh là trong bộ phim Gainsbourg, kể về cuộc đời ca sĩ Serge Gainsbourg của đạo diễn Joann Sfar. Trong phim ông đóng vai một nhà sản xuất âm nhạc.
Ngày 12/09/2010, đạo diễn Claude Chabrol đột ngột qua đời, hưởng thọ 80 tuổi.
Không chỉ có các nghệ sĩ đồng nghiệp của Chabrol thể hiện sự tôn kính đối với nhà làm phim này, mà còn có các chính trị gia của Pháp như cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã nói: sự ra đi của Claude Chabrol đã khiến nền điện ảnh Pháp mất đi một "nhạc trưởng". Còn Thị trưởng thành phố Paris lúc đó Bertrand Delanoe thì cho rằng: “Điện ảnh đã mất đi một con người với sự sáng tạo sâu sắc và phong phú... Chabrol đã có một sự nghiệp vĩ đại và độc nhất, mà cho đến ngày nay xứng đáng được coi là tượng đài của điện ảnh Pháp”.
Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN