Trong những thập kỷ sau tội ác liều lĩnh, FBI đã loại trừ phần lớn trong số khoảng 1.000 người bị nghi là Cooper, trừ hai người. Đầu mối đáng kể nhất nhất mà cảnh sát có là số tiền 5.800 USD có cùng series với số tiền chuộc mà một cậu bé tìm thấy năm 1980 dọc sông Columbia ở bang Washington và các bức thư châm biếm mà vài tờ báo Mỹ nhận được. Những lá thư này còn đưa ra các đầu mối như để nhử cảnh sát trong quá trình họ xác định danh tính kẻ đã trốn mất cùng số tiền tương đương 1,2 triệu USD thời nay.
Ít nhất 6 lá thư, cả đánh máy, viết tay và cắt ghép từ các chữ cái ngẫu nhiên, được gửi tới vài tờ báo ngay sau vụ không tặc. Tất cả đều nói là do Cooper viết. FBI coi phần lớn số lá thư là trò lừa gạt. Tuy nhiên, điều tò mò là họ đã giữ bí mật hai bức thư cuối cùng cho tới tận những năm 2000. Điều này cho thấy FBI coi các lá thư này không chỉ là trò đùa.
FBI nhận bức thư đầu tiên ngày 29/11/1971. Bức thư này được ký tên DB Cooper và được gửi từ Oakdale (California) cho tờ Reno Evening Gazette. Bức thư sử dụng các chữ cái được cắt dán từ một tờ báo Sacramento Bee. Nội dung là: “Chú ý! Cám ơn vì lòng hiếu khách. Đang sống mòn”.
Bức thư thứ hai được viết tay và ký DB Cooper, đóng dấu bưu điện ngày 30/11/1971 và gửi cho tờ Vancouver Province ở British Columbia. Nội dung là: “Phác thảo kẻ tình nghi trên Trang 3 như FBI nghi ngờ không phải là sự thật. Tôi đã thưởng thức giải vô địch bóng đá cúp Grey. Tôi sắp rời Vancouver. Cám ơn vì lòng hiếu khách”.
Bức thư thứ ba được gửi ở bắc Oregon ngày 1/12/1971 cho tờ Portland Oregonian. Dùng các chữ cái cắt ra từ một quyển tạp chí Playboy, thư có nội dung: “Còn sống và vẫn ổn ở quê nhà. P.O. Hệ thống này đã đánh bại hệ thống đó”.
Trong bức thư thứ tư mà tờ Reno Evening Gazette nhận cũng được gửi ngày 1/12 nhưng từ Sacramento, người viết nói: “Kế hoạch để có thu nhập khi về hưu” và ký tên “DB Cooper”.
Bức thư thứ năm ký tên DB Cooper, có dấu bưu điện ngày 11/12/1971 và được gửi cho tờ The New York Times, Seattle Times, Los Angeles Times và The Washington Post. FBI công bố nội dung sau khi một nhóm điều tra tư nhân do nhà làm phim tài liệu Thomas Colbert dẫn đầu đã nộp đề nghị xem nội dung bức thư theo Đạo luật Tự do Thông tin.
Bức thư có nội dung: “Thưa các ông, tôi biết ngay từ đầu rằng tôi sẽ không bị bắt. Tôi không cướp máy bay vì tôi nghĩ trò này lãng mạn, anh hùng hay bất kỳ uyển ngữ nào có thể gắn với các tình hình rủi ro cao. Tôi không phải là Robin Hood thời hiện đại.
Không may là tôi chỉ còn sống được 14 tháng nữa. Đời tôi đã trải qua thù hận, bất ổn, đói khát. Đây dường như là cách nhanh nhất và có lời nhất để tinh thần thoải mái. Tôi không đổ lỗi cho mọi người vì ghét tôi vì những gì tôi đã làm, tô cũng không đổi lỗi cho những ai muốn tôi bị bắt hoặc trừng phạt, dù điều này không bao giờ có thể xảy ra. Đây là một số điều gây khó cho cơ quan chức năng:
Tôi không khoác lác.
Tôi không để lại dấu vân tay.
Tôi đội tóc giả.
Tôi trang điểm.
Họ có thể thêm hoặc bớt chi tiết vào ảnh tình nghi hàng trăm lần và không thể có mô tả chính xác. Chúng ta đều biết điều đó. Tôi đã đi lại trên vài chuyến bay và không lẩn ở một thị trấn xa xôi nào đó.
Tôi cũng không phải là kẻ giết người. Tôi còn chưa bao giờ bị phạt vì lái xe quá tốc độ. Cám ơn vì đã quan tâm”.
Nhóm điều tra của Colbert tìm thấy mật mã trong bức thư thứ 5 và 6, trong đó có các con số “717171684*". Họ giải mã nội dung là “Tôi là LT Robert W. Rackstraw”.
Rackstraw là một cựu binh trong Chiến tranh Việt Nam và là cựu lính dù Mỹ đã chết năm 2019. Ông bác bỏ việc mình là tên không tặc khét tiếng. FBI đã điều tra và loại Rackstraw khỏi diện tình nghi vào những năm 1970.
Bức thư thứ sáu gửi ngày 28/3/1972 từ Jacksonville (Florida) cho tờ Portland Oregonian, được ký tên “Một người giàu có”. Nội dung là: “Thư này là để các ông biết tôi chưa chết mà thực sự vẫn còn sống, vừa mới về từ Bahamas. Vì thế những cảnh sát ngu ngốc của các ông ở đó có thể ngừng tìm tôi được rồi. Điều này cho thấy chính phủ này ngốc nghếch thế nào. Tôi muốn các ông viết về tôi nhưng các ông có thể ngừng viết được rồi. DB Cooper không có thực… Tôi sẽ đi vòng quanh thế giới và họ sẽ không bao giờ tìm thấy tôi vì tôi thông minh hơn cảnh sát tay sai và các lãnh đạo sắp hết thời. Hãy nói với cảnh sát tay sai rằng DB Cooper không phải là tên thật của tôi”.
Một lần nữa nhóm điều tra của Colbert lại nói bức thư này bị mã hóa và nội dung được giải mã là “Tôi là LT Robert W. Rackstraw, DB Cooper không phải tên thật của tôi”, “Tôi muốn thoát khỏi hệ thống và tìm thấy một cách thông qua cướp máy bay”.
Tuy nhiên, danh tính của Cooper và tác giả các bức thư vẫn còn là điều bí ẩn. Phát ngôn viên FBI Ayn Sandalo Deitrich nói với tờ Reno Gazette Journal năm 2014 rằng các bức thư đã được gửi tới phòng thí nghiệm FBI ở Washington D.C để phân tích, nhưng họ không phát hiện thấy gì. Ông nói: “Chưa bao giờ chứng minh được rằng những bức này có phải là do kẻ không tặc thực sự viết không”.
Vào ngày Cooper cướp máy bay, chiếc Boeing 727 hạ cánh xuống sân bay Tacoma (bang Seattle) muộn 2 tiếng so với thời gian đã định. Theo yêu cầu của tên Cooper, 200.000 USD toàn tờ 20 USD cùng 4 chiếc dù được mang lên máy bay. Máy bay cũng được nhanh chóng tiếp dầu. Sau khi hãng hàng không Northwest thỏa mãn yêu cầu, tên không tặc đã thả toàn bộ 36 hành khách và 2 thành viên tổ bay, sau đó ra lệnh cho phi công cất cánh bay đi Mexico, mang theo hắn và những thành viên còn lại của tổ bay. Những tay súng bắn tỉa FBI phái tới đành phải tay trắng ra về vì tên không tặc đã không cho họ bất cứ cơ hội nào.
Khi chiếc Boeing 727 đã vút vào không trung, tên không tặc ra lệnh cho cơ trưởng một cách rất chuyên nghiệp: "Duy trì độ cao dưới 10.000 m, nghiêng 15 độ". Sau đó, tên không tặc khoác ba lô tiền, đeo dù phía trước, phía sau. Khi máy bay đang ở vùng trời phía trên khu vực tây nam bang Washington, tên không tặc mở cửa, lao ra ngoài, bật dù và mất hút trong bầu trời đêm. Một điều ngạc nhiên nữa đã xảy ra. Trước khi nhảy dù, tên không tặc còn kịp boa cho mỗi người còn lại trên máy bay 2.000 USD.
Dù đã nỗ lực hết sức nhưng FBI bó tay trong tìm kiếm tên không tặc. Cùng với thời gian, cái tên DB Cooper dần đi vào huyền thoại. Người ta gọi tên không tặc này là "Robin Hood trên không". Thậm chí, hắn còn trở thành nguyên mẫu nhân vật chính Westmoreland trong bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng có tựa đề "Vượt ngục", niềm cảm hứng sáng tạo cho ra đời nhiều cuốn sách, bài hát nhạc rock và thị trấn nhỏ Ariel ở khu vực tây nam bang Washington còn được gọi là "Nơi Cooper hạ cánh".