8 triệu 'cây cao bóng cả' kết nối truyền thống Việt

Người cao tuổi nước ta là lớp người “cây cao, bóng cả”, có vai trò quan trọng trong việc kết nối các giá trị truyền thống về đạo đức, lịch sử và văn hoá giữa các thời đại; là lớp người có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để phát huy vị thế, vai trò quan trọng của người cao tuổi trong đời sống xã hội, ngày 24/9/1995, Chính phủ đã ký quyết định thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Màn đồng diễn bài Thái Cực Trường Sinh Đạo với sự biểu diễn của 3000 hội viên người cao tuổi. Ảnh: Minh Đức – TTXVN.


“Kính lão đắc thọ” - truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc


Người cao tuổi ở khắp mọi miền đất nước là tấm gương phản chiếu những giai đoạn thăng trầm của đất nước, là nhân chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. 


Trong họ hội tụ đủ phẩm chất của người Việt Nam nhân nghĩa, thuỷ chung; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu; lạc quan yêu đời trong cuộc sống.


Đạo lý của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay là quý trọng và biết ơn người cao tuổi, coi họ là “cây cao bóng cả”, là vốn quý của xã hội. Làng xóm và cháu con trong gia đình luôn kính trọng, chăm sóc và nghe lời người già, nhất là những người già có trí tuệ cao, có nhiều đóng góp cho đất nước.


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vai trò quan trọng của người cao tuổi đối với xã hội. Ngay từ tháng 6/1941, trong bức thư “Kính cáo đồng bào” gửi các vị phụ lão trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những quan điểm cơ bản của Đảng đối với Người cao tuổi, đánh giá cao vai trò, vị thế, kinh nghiệm và khả năng của Người cao tuổi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.


Trong suốt những năm qua, Đảng và nhà nước ra luôn quan tâm đến người cao tuổi. Cùng với việc thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam, Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi. 


Đặc biệt, Luật Người cao tuổi cũng đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009. Nhờ vậy, người cao tuổi được toàn xã hội quan tâm chăm sóc tốt hơn và ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội


* Những hoạt động hiệu quả


Trong công cuộc đổi mới hôm nay, nhất là từ khi Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập, người cao tuổi cả nước đang đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" ra sức hiến kế, hiến công nêu gương sáng trên các lĩnh vực sản xuất, xoá đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.


Cùng với thực hiện phong trào "Tuổi cao - Gương sáng" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tích cực xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh. Từ ngày thành lập Hội đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn thành lập tổ chức Hội cơ sở, có 99.578 chi hội, 250.540 tổ hội bám rễ sâu trong các thôn, bản, buôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố.


Tính đến cuối năm 2013 đã thu hút trên 8 triệu người cao tuổi vào Hội. Nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đánh giá Hội Người cao tuổi như một đoàn thể đông hội viên, hoạt động phong phú, góp phần tích cực thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội từ cơ sở; việc nhà, việc làng, việc nước đều có người cao tuổi tham gia. Tổ chức Hội Người cao tuổi thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân.


Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xu thế già hoá dân số, Hội Người cao tuổi đã từng bước góp phần tạo dựng được hệ thống chính sách cho người cao tuổi, trong đó phải kể đến Luật Người cao tuổi; xác định được mục tiêu của người cao tuổi là: Sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.


Hội Người cao tuổi Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khẳng định 3 mặt hoạt động của Hội là: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò của người cao tuổi; phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng".


Các hoạt động của Hội mang lại hiệu quả cao như: Người cao tuổi thi đua làm kinh tế giỏi; người cao tuổi với phong trào xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; người cao tuổi với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá; người cao tuổi với phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; người cao tuổi với phong trào bảo vệ an ninh, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự biên giới đất liền, biển đảo; phong trào áo ấm cho người cao tuổi, mắt sáng cho người cao tuổi…


Những hoạt động đầy ý nghĩa đó của Hội Người cao tuổi Việt Nam đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp ổn định chính trị - xã hội cơ sở, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.



Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN

Chủ tịch nước thăm và làm việc với Hội Người cao tuổi
Chủ tịch nước thăm và làm việc với Hội Người cao tuổi

Ngày 2/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc với Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN