Bác sỹ Trương Hữu Khanh cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện đang triển khai chương trình tiêm chủng đợt 6 với mục tiêu phủ vaccine toàn dân, đạt tỷ lệ 70-80% trong cuối tháng 8. Để đẩy nhanh tiến độ, nhiều địa phương đã triển khai tiêm vaccine từ 18 giờ tối đến 23 giờ, một số địa bàn đặt mục tiêu phủ vaccine sớm cho khu phong tỏa để sớm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, việc phủ vaccine cho vùng phong tỏa giúp người dân đều ở yên tại chỗ, đồng thời việc triển khai các đội tiêm di động xuống tận nơi sẽ tiết kiệm nhiều công sức cho đội tiêm lẫn người dân.
Bên cạnh đó, nếu được tiêm ngay ngày đầu tiên khi bắt đầu phong tỏa, tác dụng của vaccine sẽ bắt đầu phát huy ngay thời điểm tối thiểu mà việc phong tỏa kết thúc, tức khoảng 14 ngày. Các nghiên cứu trên thế giới đã tìm thấy kháng thể trung hòa trong cơ thể những người được tiêm chủng vào mốc 14 ngày sau khi tiêm vaccine COVID-19. Khi người dân có miễn dịch có thì khó lây, giúp chặn lây lan, cắt "cầu nối" virus từ người này sang người khác trong khu vực phong tỏa.
"Theo đó, ở mốc sau 14 ngày, nếu người dân không bị bệnh và khu vực không còn phong tỏa thì người dân đã an toàn hơn, cũng như khu vực đó giảm hẳn nguy cơ bị tái phong tỏa. Nếu sau 14 ngày, khu vực tiếp tục phát hiện F0, tiếp tục phong tỏa thì cũng hạn chế được tình trạng chuỗi lây cứ lòng vòng mãi trong khu vực", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.
Ngoài ra, trong khu vực phong tỏa, khi đã được tiêm vaccine 1 mũi thì sau 14 ngày, ít nhất trong 100 ca F0, sẽ có khoảng 30 ca không lây cho người trong khu vực phong tỏa. Mặt khác, khả năng F0 cũng khó bị mắc bệnh hơn, giảm ca nặng, cục diện cũng sớm thay đổi vì theo thời gian, lượng kháng thể của người dân trong khu vực phong tỏa sẽ tăng thêm và người dân khu vực này cũng sẽ sớm được gỡ phong tỏa.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện nhiều người dân cũng băn khoăn vể việc khi mới tiêm và một vài ngày sau đó đã phát hiện mình dương tính hay dương tính mà không biết, vẫn đi tiêm thì cũng không sao. Bởi không có chuyện tiêm chủng khi trong cơ thể có virus làm bệnh nặng thêm, virus nhiều thêm, vì trong vaccine hoàn toàn không có virus. Cả 2 công nghệ vector virus (AstraZeneca) và mRNA (Pfizer và Moderna) đều chỉ đem vào cơ thể những vật liệu di truyền cần thiết để cơ thể sinh ra kháng thể. Nên nếu mới tiêm thì vaccine không ảnh hưởng đến mức độ nặng của bệnh. Ngoài ra, tiêm vaccine cũng không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm RT-PCR lẫn xét nghiệm nhanh kháng nguyên mà chúng ta đang dùng hiện nay, vì 2 dạng này chỉ tìm kiếm dấu vết của virus, không tìm kháng thể.
Các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay, khoảng ngày thứ 14 trở đi, cơ thể người được tiêm ngừa đã bắt đầu có kháng thể, phát huy đồng thời 3 tác dụng: giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ bệnh nặng và giảm nguy cơ lây cho người khác.