Vì sao nhiều người bị chảy máu cam vào mùa nắng nóng?

Thời gian qua qua, thời tiết tại TP Hồ Chí Minh và các khu vực Nam Bộ nắng nóng kéo dài, nhiệt độ lên đến 37 độ C đã khiến cho nhiều người bị chảy máu mũi (chảy máu cam), trong đó có những trường hợp phải nhập viện cấp cứu.

Những đối tượng dễ bị chảy máu cam khi trời nắng nóng

Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, từ sau Tết đến nay, số lượng người bị chảy máu cam đến khám tại bệnh viện tăng cao.

Theo thống kê, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận gần 100 người bệnh bị chảy máu cam. Đáng lưu ý, có những trường hợp nhập viện cấp cứu, tái đi tái lại nhiều lần.

Chú thích ảnh
Những đối tượng có nguy cơ chảy máu cam khi thời tiết nắng nóng trẻ em, người bị tăng huyết áp. Ảnh. BV

Chẳng hạn như trường hợp cụ ông 75 tuổi (ngụ quận Tân Phú) được bệnh viện tuyến trước chuyển đến cấp cứu trong tình trạng chảy máu cam. Bệnh nhân này có bệnh nền là đái tháo đường và tăng huyết áp. Các bác sĩ sơ cứu, hội chẩn và xử lý kịp thời để đưa huyết áp bệnh nhân trở về bình thường (dưới ngưỡng 140/90mmHg). Sau khi được cầm máu tại chỗ, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Trong quá trình nằm viện, huyết áp của bệnh nhân trở về mức bình thường và không còn chảy máu cam.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, chảy máu cam do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số do cấu trúc mạch máu niêm mạc mũi bất thường, vẹo vách ngăn mũi, biến chứng y khoa, khối u mũi xoang, viêm mũi xoang, chấn thương mũi, nhất là người hay ngoáy mũi, xì mũi mạnh. Nhóm còn lại do nhiệt độ ngoài trời tăng cao, khi thời tiết nắng nóng đã khiến niêm mạc vùng mũi khô, các mao mạch này giãn nở quá mức, vỡ ra và gây chảy máu. Tình trạng này cũng hay gặp ở những người hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.

Những người có nguy cơ bị chảy máu cam khi trời nắng nóng gồm người có niêm mạc mỏng như trẻ em từ 5 – 10 tuổi; người bị polyp mũi (khối u lành tình trong hốc mũi); người viêm mũi xoang; người hút thuốc lá khiến bề mặt niêm mạc mũi bị khô, xung huyết vì khói thuốc lá gây nóng; người làm việc trong môi trường khói bụi; người uống nhiều rượu bia, cồn làm giãn động mạch… Đặc biệt, người bệnh tăng huyết áp có nguy cơ chảy máu cam với lượng nhiều và thường xuyên vào mùa nắng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, nhiệt độ nóng bức khiến tim người bệnh đập nhanh hoặc việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột (giữa ngoài trời và phòng có máy lạnh) khiến mạch máu người bệnh co lại tức thời, huyết áp tăng cao gây áp lực lên các thành mạch máu dẫn đến vỡ và chảy máu cam. Nếu người bệnh lớn tuổi vừa có bệnh lý huyết áp cao vừa xơ cứng động mạch thì sẽ bị chảy máu cam nhiều hơn.

Riêng với người bệnh chảy máu cam tái đi tái lại nhiều lần vào mùa nắng nóng, chủ yếu vì chưa được xử trí phù hợp hoặc sai cách. Khi khám bệnh ở một số nơi, bệnh nhân không được nội soi trực tiếp nên bác sĩ không nhìn thấy rõ các điểm chảy máu, được kê toa thuốc mà không được can thiệp đốt điểm chảy máu, hoặc có can thiệp nhưng phương pháp chưa phù hợp.

Chảy máu cam bao nhiều lần thì phải đi khám

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, để điều trị chảy máu cam, nhất là khi mùa nắng nóng, tùy tình trạng bệnh, tùy mạch máu mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp, từ nội khoa đến đốt điểm chảy máu bằng cách sử dụng bạc nitrat hay đốt bằng dao điện lưỡng cực; trong trường hợp chảy máu cam vì khối u vùng mũi xoang, phải can thiệp phẫu thuật nội soi để điều trị dứt điểm.

Về sơ cứu chảy máu cam, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên hướng dẫn, ngay khi bị chảy máu cam người bệnh ngồi dậy, hơi nghiên về phía trước, dùng tay bóp trực tiếp lên hai cánh mũi, vị trí gây chảy máu từ 5-10 phút, có thể lặp lại 2 - 3 lần nếu máu chưa cầm.

Bên cạnh đó, người bị chảy máu cam có thể đặt một ít đá lên sống mũi để làm co mạch, giảm lưu lượng máu; trong trường hợp bóp cánh mũi liên tục nhưng máu vẫn không cầm nên đến bệnh viện để được sơ cứu.

Người bệnh nên khám bác sĩ nếu chảy máu cam nhiều lần trong 2 tuần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bởi chảy máu cam liên tục có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tiềm ẩn như: U xơ vòm mũi họng, ung thư vòm họng...

Ngoài ra, bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh chảy máu cam, mọi người nên hạ nhiệt không khí trong nhà, trong phòng bằng cách sử dụng quạt, máy điều hòa, cửa sổ thông thoáng; làm mát cơ thể bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế ăn nhiều đồ cay, nóng; mặc quần áo thông thoáng; bổ sung vitamin C và vitamin K như cam, kiwi, cải bó xôi, chuối… trong khẩu phần ăn hằng ngày; thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để giảm khô vùng niêm mạc mũi.

Song song đó, người có bệnh tăng huyết áp nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, cơ thể luôn phải được làm mát, luôn ở nơi thông thoáng, hạn chế đi lại ngoài trời nắng nóng.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Nắng nóng kéo dài bất thường ở Nam Bộ
Nắng nóng kéo dài bất thường ở Nam Bộ

Nắng nóng với nhiệt độ cao hơn hẳn so với trung bình nhiều năm ở Nam Bộ đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN