Người dân cần làm gì để phòng sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng gay gắt

Những ngày gần đây, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trải qua những đợt nắng nóng gay gắt. Các bác sĩ cảnh báo, người dân cần đề phòng hiện tượng sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng.

Những dấu hiệu thường gặp khi bị sốc nhiệt

Theo các chuyên gia y tế, sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (40 - 41 độ C). Khi nhiệt môi trường gia tăng, cơ thể không có khả năng tiêu tan, tản mát nhiệt nội sinh; hoặc sự kết hợp của hai yếu tố này có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Sốc nhiệt dân gian còn gọi là say nắng hoặc say nóng do ở dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp, bị ảnh hưởng của tia tử ngoại chiếu lên da.

Chú thích ảnh
Đề phòng sốc nhiệt, người dân hạn chế ra đường vào thời điểm nắng nóng gay gắt từ 10 giờ đến 16 giờ. 

Bác sĩ Hà Chí Trung, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, sốc nhiệt dẫn đến sự mất nước, nghĩa là thiếu hụt chất lỏng và điện giải, thông qua việc đổ mồ hôi và tăng nhiệt độ cơ thể. Sốc nhiệt luôn có tỷ lệ tử vong cao và cần cấp cứu khẩn cấp.

Những dấu hiệu thường gặp khi bị sốc nhiệt là: Nhiệt độ cơ thể trên 39,4 độ C; mạch nhanh, mạnh; thở yếu; da nóng, đỏ, khô hoặc ấm; đau đầu dữ dội; mệt mỏi, vã nhiều mồ hôi; buồn nôn và nôn… Khi bị nặng sẽ rơi vào ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.

"Khi có triệu chứng nghi ngờ sốc nhiệt cần di chuyển vào bóng râm; ngồi nghỉ và nới lỏng quần áo; uống nước từng ngụm; sử dụng túi chườm lạnh để làm mát cơ thể. Gọi dịch vụ cấp cứu 115 hoặc số điện thoại cấp cứu của bệnh viện gần nhất để được nhân viên y tế hỗ trợ", bác sĩ Hà Chí Trung khuyến cáo.

Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hướng dẫn thêm, khi trẻ bị sốc nhiệt cần đem trẻ ra khỏi chỗ nắng, nóng, cho nằm nghỉ ở nơi thoáng mát; nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt, quạt cho trẻ; dùng khăn tẩm nước mát lạnh đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt, có thể kèm quạt mát để thoát nhiệt, tản nhiệt dễ dàng hơn. Theo dõi cho đến khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38°C. Cho uống nhiều nước để bù các chất điện giải như nước chín, nước lọc, nước Oresol.

“Khi trẻ bị sốc nhiệt tuyệt đối không cạo gió, không xức dầu nóng và không quấn kín trẻ”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Cách phòng ngừa sốc nhiệt 

Theo các bác sĩ, sốc nhiệt thường gặp ở một số đối tượng làm việc nặng nhọc như tập thể dục thể thao, vận động viên bóng đá hoặc công nhân, người lao động làm việc dưới trời nắng nóng với cường độ cao, kéo dài.

Bên cạnh đó, sốc nhiệt có thể do mặc nhiều quần áo hoặc áo không hút mồ hôi khi đi ra ngoài trời nắng. Ngoài ra, sốc nhiệt có thể gặp ở người uống rượu, đặc biệt khi uống rượu lại đi ra ngoài trời nắng nóng. Sốc nhiệt cũng có thể xảy ra do cơ thể thiếu nước bởi ra mồ hôi.

Để phòng ngừa bị sốc nhiệt, bác sĩ Hà Chí Trung lưu ý, người dân hạn chế ra ngoài vào lúc nắng nóng cao điểm từ 10 giờ 16 giờ. Nếu bắt buộc phải đi ra đường thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang… Ăn nhiều rau xanh và hoa quả; bổ sung những loại đồ uống giúp giữ mát cơ thể và cung cấp điện giải tự nhiên; đặc biệt là những người lao động ngoài trời nên bổ sung nước chanh, nước trái cây.

Nắng nóng gay gắt không những làm mọi người bị sốc nhiệt mà còn có thể làm da bị cháy nắng, phồng rộp và có thể bị ung thư da. Do đó, mọi người trước khi ra ngoài nên bôi kem chống nắng để bảo vệ da khỏi các nguy cơ tiềm ẩn này.

Vào những ngày trời nắng nóng, người dân nên tăng cường nghỉ ngơi nhiều hơn. Thêm vào đó, không nên di chuyển liên tục dưới trời nắng nóng trong thời gian dài, hãy tìm nơi có bóng râm để nghỉ và rèn luyện cơ thể để thích nghi với trời nắng nóng.

Đối với trẻ em, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, nếu trẻ phải thường xuyên tập luyện, học tập ngoài nắng thì giới hạn mỗi lần tập 20 - 25 phút, tối đa 45 - 60 phút/ngày và nên cho trẻ giải lao sau một khoảng thời gian. Cuối cùng, phụ huỵnh cần nhớ đừng để con trên xe hơi một mình và đóng kín xe mà không mở máy lạnh.

Dự báo, TP Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ sắp tới sẽ tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, tập trung nhiều trong tháng 3 - 4; mức độ sẽ gay gắt không thua kém năm 2023. Nhiệt độ trung bình trong 3 tháng, từ tháng 3 - 5/2024 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm.
Đan Phương/Báo Tin tức
Bộ trưởng Bộ Y tế: Hà Tĩnh cần quan tâm triển khai Luật Khám, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá
Bộ trưởng Bộ Y tế: Hà Tĩnh cần quan tâm triển khai Luật Khám, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá

Ngày 22/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh tại huyện Hương Sơn về công tác y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN