Thấy khách sộp là “chặt chém”
Vụ trả tiền thừa cho khách bằng tiền ẩm phủ mới đây tại Hà Nội là điển hình về cách làm chụp giật của cánh tài xế taxi, người lái xích lô. Tại buổi làm việc với đoàn Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội và công an quận Hoàn Kiếm, du khách Miguel Angel Fernandez Lamelas, quốc tịch Tây Ban Nha khi kể lại việc bị “chặt chém” đã rất bức xúc về tình trạng này. Theo đó, người lái xích lô đã lấy 1,5 triệu đồng cho 10 phút ngồi xe và quãng đường chưa tới 2 km (từ chợ Hàng Da đến hồ Hoàn Kiếm). Sau đó anh Angel Fernandez Lamelas cùng bạn có đi taxi từ khu phố cổ về khách sạn tại Gia Lâm giá cước chỉ hơn 50.000 đồng và có trả tài xế tờ tiền 500.000 đồng thì bị tài xế trả lại 3 tờ tiền “âm phủ”.
Du khách Miguel Angel Fernandez Lamelas làm việc với cơ quan chức năng vì bị lừa đảo, trả tiền âm phủ. |
Bản thân du khách khi biết lừa đảo nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên không liên hệ với cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên sau đó sự việc đưa một nhân viên dịch vụ du lịch đưa lên facebook và cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng xác định sự việc. Chính lái xe xích lô khi trả lời báo chí cũng thừa nhận do thấy khách sộp, nhiều tiền và sự bất đồng ngôn ngữ nên đòi giá cao.
Ông Vũ Công Huy, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội thừa nhận sự việc này cho thấy một số đối tượng làm dịch vụ có tình trạng làm ăn chụp giật. Dù chỉ là trường hợp cá biệt song đã làm ảnh hưởng tới môi trường du lịch Thủ đô. Trước đó, từ phản ánh của du khách, Thanh tra Du lịch phối hợp với Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội đã xử lý tài xế taxi Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Tiến Thành thu giá gấp 10 lần quy định. Trường hợp này xử lý được là vì khách du lịch đã chụp biển số xe và báo cơ quan chức năng. Trong khi còn rất nhiều vụ việc khác, khách du lịch bị “chặt chém” giá cả, nhưng không báo cáo.
Cuối tháng 7 này, tại Hạ Long cũng xảy ra một nhóm 5 khách du lịch quốc tế bị một đại lý lữ hành “bỏ rơi” tại cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu. Theo thông tin ban đầu, 5 du khách có quốc tịch Tây Ban Nha đã đặt tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long thông qua trang Expedia.es - một trang đăng ký dịch vụ du lịch trực tuyến, đã thanh toán tổng số tiền 639,94 EURO. Tên con tàu khách được báo để nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long là PARAGON CRUISE. Tuy nhiên, khi xuống tới cảng tàu quốc tế Tuần Châu, 5 khách du lịch đã không thể tìm thấy chiếc tàu và khi liên hệ lại theo số điện thoại trên tờ booking thì được biết là không có tên con tàu này.
Trước đó, một nhóm du khách người Australia cũng từng bị lừa khi mua tour tham quan Vịnh Hạ Long nhưng được đi tham quan khu vực Vịnh Cát Bà. Qua các sự vụ trên, chính quyền địa phương thành phố Hạ Long khuyến cáo khách du lịch cần cẩn trọng khi đặt mua các tour du lịch, đặc biệt là qua các trang mạng.
Sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Từ những vụ việc diễn ra cho thấy, những đối tượng chèo kéo, chặt chém, lừa khách thường hoạt động ở các điểm tập trung đông khách du lịch. Tại Hà Nội tập trung nhiều tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội. Bên cạnh một số lái xe taxi, xích lô, còn lại thường là người bán hàng rong, đánh giày, bán đồ lưu niệm, thậm chí cả đối tượng trộm cắp.
Phố cổ Hà Nội là điểm đến của nhiều du khách nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hoạt động chèo kéo, "chặt chém". |
Ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch CLB HDV Hà Nội, giám đốc APT travel cho biết: “Những đối tượng chèo kéo, chặt chém du khách thường lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ, thậm chí là thành một nhóm bám theo khách du lịch chèo kéo, ép mua hàng. Người dân trong khu vực biết nhưng ít phản ứng vì không muốn phiền toái. Những hành vi này sẽ gây khó chịu cho du khách bởi với xã hội thông tin như hiện nay sẽ được chia sẻ nhiều sau khi về nước. Thực tế như vụ nhóm khách Austraylia, sự việc chỉ được phát giác sau khi được báo chí, mạng xã hội tại nước sở tại đăng tải".
Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc xử lý những đối tượng thường xuyên chèo kéo “chặt chém” khách đã được Công an quận và các phường phố trí lực lượng tuần tra, mật phục ở địa bàn trọng điểm nơi khách du lịch để xử lý. Từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng của Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hành chính 112 lượt đối tượng có hành vi đeo bám, chèo kéo, ép giá để bán hàng cho người nước ngoài và khách du lịch. Những trường hợp vi phạm chủ yếu là đối tượng đánh giày, bán hoa quả và bán hàng rong. Cơ quan chức năng đã xử lý 14 trường hợp vi phạm là người hành nghề "xe ôm" và xích lô.
“Tuy nhiên những đối tượng này không ở cố định, không có giấy tờ tùy thân nên rất khó xử lý và theo quy định chỉ xử phạt hành chính. Do đó, cùng với sự vào cuộc cơ quan chức năng là sự vào cuộc của cộng đồng địa phương lên án hành vi này”, ông Phạm Tuấn Long chia sẻ.
Sở Du lịch Hà Nội đã thành lập Bộ phận hỗ trợ khách du lịch và thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh của du khách. Bên cạnh nguồn tin trực tiếp, thanh tra tra Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý một số trường hợp du khách bị chặt chém khi nắm bắt thông tin từ dư luận như trường hợp khách Australia và khách Tây Ban Nha vừa qua.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng khẳng định tiếp tục cùng với các quận huyện tuyên truyền và phối hợp các đơn vị có liên quan thanh kiểm tra các hoạt động dịch vụ du lịch đảm bảo môi trường du lịch, đặc biệt là khu vực phố cổ. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục hoạt động hỗ trợ khách du lịch, duy trì đường dây nóng 0941.336.677 để tiếp nhận, xử lý và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của khách du lịch.
Còn ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Có hơn 20 địa phương trọng điểm về du lịch đã triển khai trung tâm hoặc bộ phận hỗ trợ khách du lịch, số điện thoại nóng… Những địa phương nào vào cuộc quyết liệt, đồng bộ thì tệ “chặt chém”, lừa đảo khách du lịch được xử lý nghiêm và ít xảy ra hiện tượng này. Theo quy định của Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, việc xử lý tình trạng chặt chém, chèo kéo khách được quy định rõ do chính quyền địa phương.