Xóa bỏ tư duy kinh doanh du lịch 'chộp giật'

Du lịch Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các khu nghỉ dưỡng 5 sao và sự ra đời của nhiều loại hình du lịch mới. “Ngành công nghiệp không khói” này dự kiến sẽ đem về nguồn thu không nhỏ cho đất nước và người dân tại các điểm du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn đó sự manh mún và chộp giật trong hoạt động du lịch tại nhiều địa phương.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này và những giải pháp cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.  

Chú thích ảnh
Bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) đông nghẹt du khách dịp 30/4/2019. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều khách sạn cao cấp, resort được xây dựng tại các bãi biển, điểm du lịch nổi tiếng, thu hút lượng khách du lịch ngày một đông. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch trong nước vẫn còn đơn điệu, nhiều địa phương làm dịch vụ manh mún, đặc biệt tính liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ vẫn còn thấp. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

Trong thời gian gần đây, hoạt động du lịch phát triển nhanh, đặc biệt là những địa bàn nhiều tiềm năng, vùng ven biển, thu hút nhiều khách du lịch. Vấn đề đặt ra là sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.

Một số điểm đến mới nổi lên gần đây hay một số điểm do tính chất mùa vụ chưa biết tạo sản phẩm nên còn đơn điệu, dịch vụ chưa tốt. Thậm chí là tư duy kinh doanh chộp giật vẫn tồn tại ở nhiều nơi, bán hàng rong, chèo kéo khách, kinh doanh theo hướng không tôn trọng khách du lịch, các sản phẩm dịch vụ không tương xứng với giá trị... Tất cả những điều này làm phiền lòng khách du lịch.

Có thể nhận thấy rằng, quá trình phát triển du lịch ở địa phương còn tự phát, không theo quy hoạch. Tiếp đến là các doanh nghiệp chưa chú trọng nghiên cứu thị trường, tâm lý, tiêu dùng khách để có những sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu. Vì thế, nhiều địa phương phát triển du lịch, nhưng còn thiếu đa dạng; so với các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore...

Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều điểm làm du lịch rất tốt như phố cổ Hội An. Mặc dù nhỏ, nhưng cũng đã biết cách khai thác, người dân được hưởng lợi, các sản phẩm truyền thống được biết đến như may mặc, hoạt động giải trí về đêm... thu hút du khách quanh năm.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn tồn tại lâu nay?

Nguyên nhân một phần đó là do quy hoạch phát triển du lịch ở các địa phương chưa thực hiện tốt cho doanh nghiệp phát triển. Song yếu tố chính vẫn là các doanh nghiệp. Bởi ở đây doanh nghiệp là kinh doanh, doanh nghiệp phải có được đội ngũ chuyên nghiệp, chú trọng đến nghiên cứu thị trường và sáng tạo ra các sản phẩm du lịch, thường xuyên đổi mới sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, coi khách hàng là thượng đế...

Thêm vào đó, vào mùa hè, nhiều điểm đến vẫn mang tính mùa vụ, nhiều nơi làm ăn chộp giật chỉ vài tháng nên họ không chú trọng đào tạo nhân lực, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách. Còn điểm đến nào đáp ứng được nhu cầu của khách, đổi mới sản phẩm thì sẽ tạo sức hút. Vì thế trong thời gian tới, điều quyết định đối với các hoạt động kinh doanh du lịch, chính là việc xây dựng chuỗi liên kết để đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ du lịch.

Việc liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cần có sự tham gia của các bên liên quan từ cơ quan nhà nước, các ngành, doanh nghiệp cho đến người dân địa phương. Vậy để thúc đẩy tốt mỗi liên kết này chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Việc thiếu liên kết đang là điểm yếu của du lịch Việt Nam, còn hạn chế hơn so với các nước trong khu vực. Điển hình như Thái Lan, mối quan hệ giữa các nhà cung cấp dịch vụ của họ cực kỳ chặt chẽ, khép kín và đồng bộ. Vì thế, khách du lịch có thể chi tiêu đến đồng tiền cuối cùng khi đi du lịch Thái Lan.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn hạn chế trong liên kết cung cấp dịch vụ. Ở đây phải kể đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, địa phương, các ngành liên quan như công thương... cần có liên kết chặt hơn, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, địa phương liên kết để họ tạo sản phẩm dịch vụ hoàn hảo, đồng bộ. Nhìn tổng thể hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm, có sản phẩm du lịch chứ chưa có sự liên kết.

Trong thời gian tới, đó là vấn đề cần khắc phục, tạo chuỗi liên kết, đáp ứng tối đa nhu cầu khách du lịch.

Để phát triển, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ du lịch tại các điểm đến của Việt Nam, ngành du lịch cần phải thay đổi và đưa ra những giải pháp cụ thể gì, thưa ông?

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài sử dụng xe đạp khám phá phố cổ Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Hiện nay, ngành du lịch đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới và Viện được giao xây dựng chiến lược này. Vừa qua, chúng tôi đã báo cáo hội đồng thẩm định Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về dự thảo chiến lược và đã được thông qua. Một trong những giải pháp quan trọng mà chúng tôi đề cập trong chiến lược là phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa trên các thế mạnh, tiềm năng nổi trội về tự nhiên, văn hóa, lợi thế để tạo các sản phẩm khác biệt, độc đáo, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Tuy nhiên, theo tôi để biến từ tiềm năng thành sản phẩm là cả một quá trình, đòi hỏi vai trò của cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách.

Ví dụ gần đây, du lịch đô thị, các sự kiện quốc tế thành công thì hình ảnh của Việt Nam được nâng lên. Hay du lịch thể thao, trước đây chúng ta chưa nhấn mạnh, nếu biết làm thì sẽ mang lại nguồn thu lớn. Cơ hội sắp tới là đường đua ô tô công thức 1 (F1) được đầu tư, tổ chức các sự kiện, và đăng cai nhiều sự kiện thể thao quốc tế, đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch.

Với địa hình của Việt Nam, lợi thế tự nhiên, văn hóa, chúng ta có thể phát triển nhiều hình thức du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, sinh thái..., hình thành các khu du lịch biển, núi đẳng cấp thế giới. Thông qua các tổ hợp đó sẽ tạo dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Nhìn lại 5 năm gần đây, rõ ràng du lịch Việt đã có bước chuyển lớn về chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Các khu nghỉ dưỡng lớn, cao cấp của chúng ta hoàn toàn có thể sánh ngang các khu nghỉ dưỡng cao cấp thế giới...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đảm bảo tính đồng bộ, từ các thủ tục cho khách vào tham quan, nghỉ dưỡng tại Việt Nam đến lúc kết thúc chuyến đi, toàn bộ dịch vụ liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại của khách, mua sắm... đều phải coi đó là sản phẩm du lịch tổng thể.

Phải hiểu rằng, ngành du lịch là ngành có tính liên ngành, liên vùng, tự thân ngành du lịch không làm được. Các ngành phải tham gia để tạo chuỗi sản phẩm dịch vụ đồng bộ cho du khách, không chỉ là ăn ở, đi lại, giải trí mà còn cả visa, xuất nhập cảnh, ứng xử của người dân tại các điểm đến, taxi, bán hàng... Nếu làm tốt, coi trọng khách du lịch, chúng ta sẽ có sản phẩm đồng bộ, nâng cao sức cạnh tranh.  

Thưa ông, thời gian gần đây, người dân cũng tham gia làm du lịch và cũng đã tạo được những sản phẩm hấp dẫn, có được ấn tượng tốt với du khách. Vậy theo ông cần làm gì để khuyến khích và hạn chế những hình ảnh "du lịch xấu xí"?

Để hạn chế và loại bỏ hình ảnh “du lịch xấu”, vai trò các bộ, ngành liên quan là cực kỳ quan trọng, từ Chính phủ, địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp... Với những vấn đề tồn tại ở địa phương hiện nay như chèo kéo, chặt chém, cung cấp sản phẩm dịch vụ không như cam kết, trộm cắp... thì vai trò của địa phương, các ngành chức năng rất quan trọng. Hay để bảo vệ các giá trị tài nguyên và khách du lịch... phải có sự vào cuộc của các cơ quan đảm bảo an ninh, quản lý thị trường, kiểm lâm (tại các vườn quốc gia).

Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương và người đứng đầu chính quyền các cấp về quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ, môi trường, an ninh an toàn của khách du lịch tại địa phương. Nếu làm được điều này, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao sức cạnh tranh, vươn lên Top đầu trong bản đồ du lịch thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh - Đức Dũng/TTXVN (thực hiện)
Tại sao tăng trưởng gần 20% nhưng du lịch Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan, Malaysia?
Tại sao tăng trưởng gần 20% nhưng du lịch Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan, Malaysia?

Việc ngành du lịch đặt mục tiêu đến năm 2020 đóng góp trên 10% GDP và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sự phát triển bền vững vẫn đang là bài toán khó chưa có lời giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN