Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, để chuẩn bị cho du lịch phục hồi sau thời gian dài “ngủ đông”, từ cuối năm 2021, đơn vị đã tổ chức chuyến khảo sát, giới thiệu các điểm du lịch của địa phương đến các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực văn hóa - du lịch, các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh… để ghi nhận các ý kiến đóng góp cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Hiện nay, Trà Vinh chủ trương phát triển du lịch theo hướng “thuận thiên” để thích ứng biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thời gian qua, 2 mô hình du lịch thuận thiên tại Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) và Cồn Hô (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm. Dự kiến năm 2022, tỉnh ra mắt thêm mô hình du lịch “hợp điểm” tại ấp Cồn Trứng (xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải).
Để xúc tiến và thương mại hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay, ngành du lịch Trà Vinh đã chủ động kết nối với gần 300 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên cả nước thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị, hội chợ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh mở các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Đồng thời, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các cơ sở lưu trú du lịch, các công ty lữ hành nội địa trên địa bàn.
Toàn tỉnh hiện có 140 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 9 khách sạn 2 sao, 17 khách sạn 1 sao, 3 nhà khách, 3 homestay và 108 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch) và 8 công ty lữ hành nội địa. Năm 2022, ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu đón 550.000 lượt khách, tổng thu đạt 190 tỷ đồng. Năm tháng đầu năm 2022, tỉnh đã đón trên 201.500 lượt khách tham quan, tổng doanh thu đạt 88,4 tỷ đồng.