Phát huy lợi thế về du lịch
Chiều 1/7, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ mở rộng tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch "Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến". Đây là diễn đàn nằm trong chuỗi liên kết vùng do UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất để kết nối du lịch giữa vùng du lịch Bắc Trung Bộ với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương.
Hiện nay, vùng Bắc Trung Bộ mở rộng là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch đặc thù với bờ biển dài và nền văn hóa đặc sắc, nhiều cửa khẩu giáp với Lào. Đây là vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển du lịch Việt Nam, phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông - Tây với các nước trong khu vực. Theo thống kê, vùng này đang sở hữu 5 di sản thế giới cùng gần 400 di tích lịch sử cách mạng; nhiều cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên gắn với dãy núi Bắc Trường Sơn... Khu vực này còn là nơi có nhiều di sản văn hóa, thuận tiện cho việc kết nối tour du lịch "Con đường di sản miền Trung".
Là một trong những các Bắc Trung Bộ đang liên kết du lịch với TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, diễn đàn "Hội tụ tinh hoa – Nâng tầm điểm đến" là hoạt động ý nghĩa đối với sự phục hồi du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng sau đợt dịch bệnh lần thứ tư. Hiện nay, đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch mà còn là cơ hội để các tỉnh Bắc Trung Bộ có thể giao lưu văn hoá, kết nối với các địa phương, từ đó tìm ra những sản phầm du lịch độc đáo, đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ.
Điển hình như tại Nghệ An, với những tiềm năng về tự nhiên, Nghệ An hiện nay đang được ví như Việt Nam thu nhỏ khi sở hữu núi non hùng vĩ, đường bờ biển dài 82km, nhiều bãi tắm đẹp và khu dự trữ sinh quyển quốc gia, hang động hùng vĩ, đáp ứng đa dạng nhu cầu du lịch của người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng là trung tâm văn hoá với truyền thống đấu tranh cách mạng phù hợp phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá. Những điều kiện trên rất phù hợp cho tỉnh xây dựng những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch tìm hiểu lịch sử… để giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay vùng Bắc Trung Bộ là một trong các vùng du lịch đã được quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là vùng có nhiều cửa khẩu giáp với Lào, có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - du lịch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực trên hành lang Đông – Tây. Đây cũng là vùng đất có tài nguyên du lịch đặc sắc, đa dạng từ thiên nhiên đến văn hoá – lịch sử và là một trong các vùng du lịch được du khách phía Nam quan tâm. Do đó, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh mong muốn liên kết với các địa phương Bắc Trung Bộ để cùng xây dựng dải sản phẩm liên tuyến độc đáo, kết nối với nước bạn Lào, từ đó thu hút lượng khách quốc tế vào TP Hồ Chí Minh nhiều hơn.
“Mặt khác, việc TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh liên kết du lịch với các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ giúp các tỉnh này định vị được thương hiệu du lịch của mình nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Đối với TP Hồ Chí Minh, việc liên kết với các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng sẽ giúp doanh nghiệp thành phố có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến người dân và du khách. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng cũng đã tổ chức một đoàn framtrip 7 ngày dành cho những doanh nghiệp lữ hành đầu ngành, chuyên nghiệp của TP Hồ Chí Minh đi khảo sát các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… để có thể chủ động xây dựng các sản phẩm mới lạ, độc đáo, phù hợp chào bán, giới thiệu đến với người dân và du khách TP Hồ Chí Minh nhiều hơn”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Là những doanh nghiệp lữ hành vừa tham gia chuyến khảo sát 7 ngày tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - Marketing của công ty TST Tourist cho biết, theo thống kê, hiện du khách trong nước đến với Bắc Trung bộ chủ yếu từ miền Bắc hay từ Lào, Thái Lan; còn lượng khách hàng từ phía Nam khá hạn chế. Nguyên nhân xuất phát từ việc các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng chưa đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Vì vậy, sau diễn dàn, các tỉnh Bắc Trung Bộ cần khắc phục hạn chế này để gia tăng sự quan tâm của du khách ở các tỉnh thành phố phía Nam nhiều hơn dựa trên nền tảng sản phẩm điểm đến khá hấp dẫn của vùng đang sở hữu.
Đầu tư hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực
Theo bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ Công ty Vietravel, hiện nay các sản phẩm du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng vẫn còn đơn điệu và sự liên kết chưa chặt chẽ. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp với nhau và doanh nghiệp với chính quyền địa phương, bởi trong việc quảng bá một sản phẩm rất cần sự hợp tác, liên kết lẫn nhau để cùng phát triển một sản phẩm du lịch mới, chuyên nghiệp và chỉnh chu hơn. Đó cũng là chìa khóa mở ra việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch của Việt Nam sau đợt dịch bệnh vừa qua. Mặt khác, khi các tỉnh thành phố, các doanh nghiệp cùng bắt tay, liên kết với nhau cũng giúp gia tăng giá trị và lợi ích cho khách hàng.
“Tuy nhiên, về lâu dài, muốn phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ mở rộng thì các cơ quan, đơn vị ban ngành cần đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch đồng bộ từ đường bộ, đường biển, đường hàng không… để du khách có thể di chuyển dể dàng hơn. Một vấn đề quan trọng nữa, các tỉnh cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quảng bá sản phẩm, điểm đến…”, bà Tạ Thị Tú Uyên cho biết thêm.
Ông Trương Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho biết, để việc liên kết du lịch giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đạt hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng, có cơ chế để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ nhằm tạo ra những gói sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, biển... hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tại các tỉnh này cũng cần có chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở, khu vui chơi, giải trí, cơ sở dịch vụ... cùng nhiều hình thức du lịch khác để làm đa dạng các sản phẩm du lịch của vùng.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng cũng cần tổ chức đón các đoàn travel blogger trong nước lẫn quốc tế tới khảo sát các địa điểm du lịch ở các tỉnh, đẩy mạnh quảng bá du lịch bằng công nghệ như trên website, YouTube... Ngoài ra, sau mùa dịch nguồn nhân lực ngành du lịch đang khá thiếu nên các tỉnh cũng cần chú trọng đào tạo cho các nhân viên làm trong ngành du lịch có chất lượng và chuyên môn hơn.
Nhìn nhận về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, điểm nghẽn lớn nhất của các địa phương liên kết du lịch với TP Hồ Chí Minh là chất lượng nguồn nhân lực. Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn cung nhân lực càng trở nên thiếu hụt, chất lượng giảm sút ở các lĩnh vực du lịch từ lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải... Thông qua các chương trình liên kết du lịch, đặc biệt cao điểm hè năm nay, các DN TP Hồ Chí Minh sẽ cần có sự phối hợp với địa phương ở vùng Bắc Trung Bộ mở rộng để tăng cường công tác đào tạo chuyên sâu, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương này về du lịch.
Là địa phương đầu tàu của các chương trình kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, diễn dàn kết nối du lịch lần này sẽ giúp các địa phương tìm ra những mặt còn hạn chế để có những giải pháp khắc phục và thúc đẩy những tiềm năng du lịch đang bị bỏ ngỏ. Vì vậy, diễn đàn này tập trung vào 4 vấn đề chính:
Một là, tạo điều kiện cho các các địa phương chủ động kết nối với các doanh nghiệp, từ đó tạo ra các chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng. Thứ hai,các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch các tỉnh cần chủ động tham mưu cơ chế để việc liên kết nhịp nhàng, hiệu quả. Thứ ba, các tỉnh thành phố Bắc Trung Bộ mở rộng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ từng địa phương. Trong đó, TP Hồ Chí Minh cam kết phối hợp với các địa phương để đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Cuối cùng, diễn đàn còn tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần kích cầu thị trường du lịch, từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.