TP Hồ Chí Minh: Lần đầu tổ chức lễ hội sông nước để thu hút du khách

Ngày 12/7, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh công bố kế hoạch tổ chức “Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh” lần thứ nhất năm 2023. Lễ hội nhằm hướng đến việc quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, hoạt động du lịch và ẩm thực đặc trưng của thành phố đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin về Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh trong ngày 12/7.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, lễ hội sẽ diễn ra tại các địa điểm: cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển, công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông, khu du lịch văn hóa Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức cũng như các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh. Điểm nhấn của sự kiện là show diễn thực cảnh với chủ đề “Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện” lúc 20 giờ ngày 6/8, tại cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển. Đây là chương trình thực cảnh đầu tiên tái hiện sự hình thành, phát triển của tự nhiên, con người vùng đất Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh bên dòng sông Sài Gòn. 

"Mục đích của lễ hội này là nhằm quảng bá hình ảnh du lịch TP Hồ Chí Minh thông qua việc khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển, góp phần định vị thương hiệu của thành phố - đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa. Qua đó, lan tỏa niềm tự hào, tình yêu dành cho thành phố cũng như truyền cảm hứng du lịch, khám phá điểm đến thành phố tới du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội của thành phố", bà Ánh Hoa cho biết thêm. 

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông nước rộng lớn để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch trên sông.  

Ngoài ra, tại lễ hội, người dân và du khách sẽ được xem một show thực cảnh quy mô lớn nhất của Việt Nam trên dòng sông Sài Gòn. Bà Lê Hải Yến, Tổng đạo diễn show diễn thực cảnh tại Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là câu chuyện lịch sử của Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh trải dài theo chiều không gian và thời gian, một dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm của vùng đất này được tái hiện trong 5 chương nghệ thuật: Khẩn hoang - Mở cõi - Trên bến dưới thuyền - Hòn ngọc Viễn Đông - Rực rỡ thành phố.

"Những câu chuyện trên sông sẽ được kể bằng sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại; âm nhạc, vũ kịch, ánh sáng, điện ảnh đậm sắc màu văn hóa - nghệ thuật. Show diễn này cũng sử dụng các công nghệ trình diễn hiện đại, diễn ra trên một dòng sông thật, một thương cảng thật với cảnh tàu bè tấp nập, cư dân đông đúc...", bà Lê Hải Yến cho biết thêm.  

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, các hoạt động chính của lễ hội này bao gồm: lễ khai mạc ngày 4/8 tại Di tích Cột cờ Thủ Ngữ, Quận 1; khai mạc triển lãm không gian “Trên bến dưới thuyền” tại quận 1 (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) và quận 8 (khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, phường 13, Quận 8); trưng bày, giới thiệu nông sản, đặc sản, góp phần hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức hoạt động nghệ thuật dân gian (ban ngày) và các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử (buổi tối ngày 4 - 5/8); các hoạt động thể thao dưới nước, trình diễn dù lượn, bay bằng ván phản lực nước - Flyboard, trình diễn chiếu sáng nghệ thuật, dù lượn trên cao… từ ngày 5 - 6/8 tại Bến Bạch Đằng (số 2 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1); hoạt động trình diễn đua ghe truyền thống từ các vận động viên chuyên nghiệp, biểu diễn cano nước và các hoạt động tương tác chèo SUP… tại khu vực bến Nhiêu Lộc, Thị Nghè.

Chú thích ảnh
Hoạt động kéo đại kỳ trên sông Sài Gòn được tổ chức trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của lễ hội còn có hoạt động diễu hành trên sông từ 19 giờ đến 19 giờ 40 ngày 4 - 5/8 và từ 21 giờ  - 21giờ 40 ngày 6/8. Từ cảng Sài Gòn đến Landmark 81, sẽ có 30 - 40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ diễu hành dọc bờ sông để quảng bá về lễ hội và hoạt động du lịch trên sông của thành phố; không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian diễn ra từ ngày 4 - 6/8, tại công viên bến Bạch Đằng; công viên Lam Sơn sẽ tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật Di sản văn hóa dân tộc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể và tổ chức các trò chơi dân gian.

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh chính thức có đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
TP Hồ Chí Minh chính thức có đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sáng 12/7, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X đã biểu quyết thông qua việc đổi tên Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức) trên địa bàn thành phố Thủ Đức thành đường Võ Nguyên Giáp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN