Thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ

Vừa qua, tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, hội thảo "Thúc đẩy du lịch Việt Nam - Ấn Độ" đã diễn ra, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý du lịch và đại diện doanh nghiệp.

Sự kiện nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy ngành du lịch hai quốc gia, trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya nhấn mạnh: "Du lịch là một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai quốc gia. Việt Nam và Ấn Độ đều sở hữu nền văn hóa lâu đời và các giá trị tâm linh độc đáo. Trong đó, Phật giáo đóng vai trò cầu nối quan trọng với nhiều địa danh linh thiêng tại Ấn Độ như Bồ Đề Đạo Tràng, Vườn Lộc Uyển và Câu Thi Na thu hút đông đảo Phật tử Việt Nam.

Ngoài ra, Ấn Độ còn nổi tiếng với các giá trị văn hóa liên quan đến yoga, thiền định và các hoạt động du lịch chữa lành. Những yếu tố này không chỉ phù hợp với xu hướng du lịch hiện đại mà còn mở ra cơ hội hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, sau đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch giữa hai nước đã ghi nhận những bước phát triển tích cực. Hiện có 56 chuyến bay thẳng mỗi tuần kết nối các thành phố lớn của Việt Nam và Ấn Độ, với dự kiến tăng thêm 14 chuyến trong thời gian tới.

Số liệu từ Đại sứ quán Ấn Độ cho thấy lượng khách du lịch Việt Nam đến Ấn Độ đạt 57.000 người năm 2023, tăng 32% so với năm 2002. Trong khi đó, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt hơn 500.000 người năm 2024, tăng khoảng 30% so với 3 năm trước. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường du lịch hai chiều, dù vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Bên cạnh những tiềm năng, du lịch Việt Nam - Ấn Độ đối mặt với không ít thách thức. Tại Ấn Độ, các vấn đề như rác thải, ô nhiễm, an toàn cá nhân và sự khác biệt về phong tục, ẩm thực là những rào cản lớn đối với du khách Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam, các sản phẩm du lịch dành cho khách Ấn Độ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu và sở thích của họ.

Chú thích ảnh
Phiên thảo luận diễn ra sôi động với nhiều ý kiến trao đổi.

Ông Tôn Sinh Thành, cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết thị trường Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với tỷ lệ phục hồi sau đại dịch đạt gần 297% so với năm 2019. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách thị thực và xúc tiến quảng bá. Ông cũng nhấn mạnh tiềm năng của điện ảnh trong việc thúc đẩy du lịch, khi người dân Ấn Độ có niềm đam mê đặc biệt với phim ảnh.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến từ các đại biểu cũng tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực. Bà Nguyễn Bích Thủy, đại diện Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN, cho rằng cần đẩy mạnh việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch người Ấn Độ biết tiếng Việt và ngược lại. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm du khách mà còn tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Lê Phú/Báo Tin Tức
Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái biển kết hợp với di tích lịch sử
Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái biển kết hợp với di tích lịch sử

Nằm bên Biển Đông, với 32 km bờ biển cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy trải khắp trong tỉnh, Tiền Giang có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái biển kết hợp với các di tích văn hóa lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN