Chính sách mới về thị thực (visa) áp dụng từ 15/8/2023 được triển khai như thế nào, thưa ông?
Việc điều chỉnh một số nội dung trong Luật Xuất nhập cảnh đã tạo điều kiện cho người Việt Nam đi du lịch; đặc biệt là thu hút người nước ngoài, khách du lịch đến với Việt Nam.
Cụ thể hoá một số điều sửa đổi của Luật Xuất nhập cảnh, vào ngày 14/8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127 và Nghị quyết 128 tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có khách du lịch. Điều này cũng thể hiện sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, tháo gỡ vướng mắc để du lịch Việt Nam có thể phục hồi và tăng tốc phát triển theo Nghị quyết 82 của Chính phủ.
Để thu hút khách quốc tế biết đến Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia có kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch trong nước như thế nào, thưa ông?
Để cụ thể hoá cơ chế chính sách mới của Quốc hội, Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, cụ thể là Cục Du lịch quốc gia nghiên cứu tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành văn bản mới, triển khai cụ thể chính sách này, đặc biệt là ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ đẩy mạnh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả trong bối cảnh mới.
Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL cũng ban hành kế hoạch chiến lược Maketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Đề án phát triển một số mô hình du lịch đêm. Từ đó định hướng cho các địa phương và các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch và công tác khác thoả mãn nhu cầu của khách du lịch sau khi có chính sách mới.
Trong các chính sách trên có chương trình xúc tiến quảng bá du lịch. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện tháo gỡ chính sách về thị thực nhưng để thu hút khách và nâng cao khả năng cạnh của du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm, trong đó có xây dựng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của du khách nghỉ dưỡng dài ngày, khách có khả năng chi trả cao. Tiếp đến là xúc tiến ở thị trường du lịch trọng điểm.
Hiện nay, nhu cầu tìm kiếm về du lịch Việt Nam đã tăng lên, nhất là khi biết thông tin Việt Nam có những chính sách mới về thị thực nhập cảnh với khách nước ngoài thuận tiện hơn, nhu cầu tìm kiếm và đi du lịch Việt Nam tăng lên nhanh chóng.
Tiếp đến Việt Nam chuẩn bị về điều kiện nhân lực, cung ứng chất lượng dịch vụ; công tác quản lý tại các địa phương , nhất là trung tâm du lịch lớn, đảm bảo sự chặt chẽ để khi khách đến Việt Nam trải nghiệm đúng như kỳ vọng của họ.
Kinh phí xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam thấp so với các nước khu vực. Vậy, phải làm thế nào để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả, thưa ông?
Được sự quan tâm của Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập và bước đầu đáp ứng công tác xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và hỗ trợ phát triển sản phẩm và quảng bá mốt số địa phương. Tuy nhiên, quá trình xúc tiến quảng bá làm lâu dài và cần sự hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.
Thời gian tới, đáp ứng nhu cầu xúc tiến quảng bá giới thiệu đất nước, văn hoá, con người Việt Nam cũng như tiềm năng du lịch Việt Nam cần có sự chung tay góp sức của địa phương và đặc biệt là của doanh nghiệp để có chương trình bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn và đem lại hiệu quả hơn.
Theo ông, đã đến lúc cần có bộ nhận diện thương hiệu mới cho du lịch Việt Nam ở thị trường khác nhau chưa?
Tôi cho rằng đó là yếu tố quan trọng trong xúc tiến quảng bá du lịch. Yuy nhiên, chúng ta cũng cần có đánh giá tổng thể xem chương trình, chiến dịch và bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn tác dụng hay cần điều chỉnh gì. Trên cơ sở đó, chúng ta mới quyết định được việc này.
Xin trân trọng cám ơn ông!