Trên 120 đại diện từ các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch (lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng…) của tỉnh Bến Tre và TP Hồ Chí Minh, các Sở Văn hoá Thể thao Du lịch và Trung tâm Xúc tiến du lịch của các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đến tham dự.
Theo Sở Du Lịch TP Hồ Chí Minh, với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ga xe lửa Sài Gòn và các tuyến xe đường bộ đi khắp cả nước, TP Hồ Chí Minh là đầu mối đón lượng khách lớn từ các tỉnh, thành. Rất nhiều công ty lữ hành ở TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các tour, tuyến du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến Bến Tre và các tỉnh, thành trong vùng.
Trải nghiệm du lịch sông nước ở cồn Thái Sơn, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Viettravel |
Với nhiều ưu đãi của thiên nhiên, ĐBSCL được biết đến là vùng đất hiền hòa, khí hậu mát mẻ, cây lành trái ngọt cùng nhiều sản vật thiên nhiên và là vùng đa dạng bản sắc văn hóa. Ngoài ra, Bến Tre và vùng ĐBSCL với đặc trưng là những tour du lịch bằng thuyền, xuồng trên sông, khám phá những vườn cây trái quanh năm, trải nghiệm cuộc sống của miền sông nước, nghe đờn ca tài tử… đã hấp dẫn với du khách miền Bắc, Trung, Tây nguyên và khách quốc tế. Tuy nhiên, do có sự tương đồng về văn hóa, lối sống, cảnh quan thiên nhiên nên sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng khá giống nhau.
Trong khi đó, ĐBSCL còn nhiều tiềm năng kết nối với TP Hồ Chí Minh và các vùng, miền trong nước, hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mê Kông hình thành nhiều tour, tuyến du lịch, khai thác nhiều loại hình du lịch: sinh thái miệt vườn, nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa - lễ hội, tâm linh, biển đảo... chất lượng cao.
Việc phát triển sản phẩm du lịch không thể phân bố đều cho các địa phương mà phải căn cứ vào lợi thế, đặc điểm nổi trội của từng điểm đến, từ đó tập trung đầu tư, tạo sự khác biệt thu hút khách, có tính đến các điểm đến ở địa phương lân cận, làm cho sản phẩm du lịch toàn vùng có sức hấp dẫn cao.
Chợ nổi Cái Răng, một trong những điểm du lịch được du khách yêu thích ở Cần Thơ. Ảnh: Viettravel |
Sở Du Lịch TP Hồ Chí Minh nhận thấy công tác xúc tiến quảng bá du lịch cần được thực hiện chung cho cả vùng, không quảng bá đơn lẻ từng địa phương vì du khách nước ngoài chỉ biết ĐBSCL qua tên gọi Mekong Delta. Các tỉnh, thành cũng cần nâng cao vai trò của các doanh nghiệp du lịch trong việc liên kết nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương, đưa ra chương trình cụ thể, để từ đó có các sản phẩm trọn gói có chất lượng tốt và giá cả phù hợp với từng đối tượng đến từ các thị trường khách du lịch trọng điểm.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel cho biết, hiện tại Vietravel có các chi nhánh ở Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau. Vietravel đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch kết nối liên tỉnh, liên vùng ở ĐBSCL. Riêng Bến Tre chưa đủ hấp dẫn khách du lịch lưu trú lại. Những tuyến điểm du lịch ở tỉnh này khá giống với Tiền Giang, Vĩnh Long nên với Bến Tre, chỉ có thể làm tour trong ngày cho khách từ TP Hồ Chí Minh hoặc Bến Tre chỉ dừng ở vị trí trung chuyển để kết nối tour với các tỉnh khác.
Về phát triển du lịch ĐBSCL, Vietravel hướng đến thu hút đối tượng khách có thu nhập cao từ miền Trung, miền Bắc, hoặc kết hợp với ngành hàng không và hai sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc để tổ chức những chuyến bay bao chuyến (charter) với giá hấp dẫn, đưa khách nước ngoài về và ngược lại cho khách từ ĐBSCL du lịch nước ngoài. Định hướng này đã thu hút nhiều khách vào mùa hè và mùa tết. Đó là hướng phát triển sâu rộng, chứ chỉ khai thác khách từ TP Hồ Chí Minh về ĐBSCL là không nhiều.
Bà Việt Hương cũng khẳng định, người dân ĐBSCL có nhu cầu du lịch ngoài các tỉnh ĐBSCL rất nhiều. Vietravel đang xây dựng các sản phẩm du lịch của TP Hồ Chí Minh để thu hút khách ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh tham quan trong tour một ngày rồi về hoặc sau đó nối tour từ TP Hồ Chí Minh sẽ đi tiếp đến các địa phương khác.
Vietravel đã triển khai rất tốt tour kết hợp khám chữa bệnh với tham quan mua sắm tại TP Hồ Chí Minh cho nhu cầu của người dân các tỉnh ĐBSCL và người dân Campuchia thông qua các cửa khẩu ở ĐBSCL sang Việt Nam.
Ông Đặng Minh Tùng, Giám đốc Điểm du lịch Làng Bè nhận thấy, việc quảng bá du lịch theo kênh online trên các website chuyên về du lịch, ẩm thực, trên trang mạng xã hội đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch trong nước vận dụng hiệu quả. Ngành du lịch tỉnh Bến Tre có thể nghiên cứu áp dụng các phương thức online để xúc tiến du lịch, tạo hiệu ứng quảng bá các tuyến, điểm rất nhanh, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong nước và nước ngoài.