Bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, kể cả khách quốc tế và khách nội địa, đang là vấn đề bức thiết, thu hút nhiều ý kiến đóng góp nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch.
Diễu hành xích lô quảng bá du lịch tại Đà Nẵng. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Tại hội thảo lấy ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch ngày 30/5 tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (ESRT) phối hợp tổ chức, đông đảo các nhà quản lý du lịch địa phương, doanh nghiệp du lịch đã tham dự và đóng góp ý kiến về các vấn đề: Khách du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch, Hiệp hội Du lịch...
Nội dung bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, kể cả khách quốc tế và khách nội địa là vấn đề bức thiết, thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng khách du lịch là đối tượng trọng tâm của ngành kinh tế du lịch, mọi hoạt động, chiến lược của ngành cần phải hướng vào du khách. Luật Du lịch của Việt Nam hiện nay có đề cập tới khách du lịch tại Chương V (từ điều 34 đến điều 37) lại chưa nêu được điều này.
Thực trạng du lịch ở nước ta cho thấy khách du lịch vẫn phải chịu tình trạng chặt chém, bắt chẹt, lừa gạt, móc túi, đối xử thô bạo, thiếu văn hóa... nhất là vào mùa cao điểm du lịch. Điều này không chỉ xảy ra với khách nội địa mà còn cả với khách quốc tế, khi có sự cố xảy ra du khách cũng không biết kêu ai, không biết cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Do đó, Luật Du lịch cần bổ sung điều khoản về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ khách du lịch. Việc này là cần thiết, nhất là tại các điểm đến thu hút đông khách, các khu du lịch trọng điểm để kịp thời giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của du khách. Điều này sẽ dẫn đến việc cần phải có một lực lượng nhất định hỗ trợ, bảo vệ du khách. Có ý kiến cho rằng ngành du lịch không nhất thiết phải thành lập riêng lực lượng cảnh sát du lịch mà có thể huy động sự hỗ trợ từ phía cảnh sát 113 hoặc cảnh sát địa phương nhưng nhất thiết phải có người đứng ra chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi du khách khi có sự cố. Luật Du lịch cũng cần xem xét đến việc bảo vệ quyền lợi khách hàng trong trường hợp các công ty lữ hành đột ngột giải thể, phá sản như trường hợp của Công ty Lanta Tour (Liên bang Nga) vừa qua...
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì không nhất thiết phải chờ khi Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung được thông qua thì ngành du lịch mới triển khai lực lượng bảo vệ quyền lợi khách du lịch. Tại những tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch có thể thành lập ngay những đội bảo vệ khách du lịch, đưa ra cơ chế thích hợp để mô hình này hoạt động hiệu quả. Điều này sẽ góp phần tăng thiện cảm với du khách trong nước, quốc tế khi lựa chọn điểm đến du lịch, không chỉ mang lại lợi ích cho du lịch mỗi địa phương mà còn củng cố vị thế du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế...
Luật Du lịch của nước ta chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho du lịch Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện 6 năm qua đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với hoạt động thực tiễn.
Trước đó, Dự án ESRT đã tổ chức 2 cuộc Hội thảo ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến giữa tháng 5/2012, Tổ nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch đã thu thập được ý kiến đóng góp của 63 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 10 đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch.