Nhiều tour du lịch hấp dẫn Nghi thức Tế nữ quan tại Đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN |
Ông Lê Hồng Vân, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2017, thành phố Việt Trì vừa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ra tour du lịch mới “City tour Việt Trì” gồm 9 điểm đến và 3 chương trình tham quan hấp dẫn trong thành phố Việt Trì với thời gian một ngày.
Theo đó, chương trình 1 sẽ đưa du khách tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Miếu Lãi Lèn (thưởng thức di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ) - Đình Hùng Lô, thăm nhà cổ, làng nghề nông sản tại Hùng Lô - Bảo tàng Hùng Vương - Trung tâm thương mại Vincom.
Chương trình 2, sẽ là Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Bảo tàng Hùng Vương - Đình Hùng Lô, thăm nhà cổ, làng nghề nông sản tại Hùng Lô - Đình Thét (thưởng thức di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ) - Làng rau an toàn Tân Đức.
Trình diễn Trò Trám của Tứ Xã. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Chương trình 3, thăm quần thể di tích đền, chùa Tam Giang - Bảo tàng Hùng Vương - Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Miếu Lãi Lèn - Đình Hùng Lô (thưởng thức di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ), thăm nhà cổ, làng nghề nông sản tại Hùng Lô.
Bà Phùng Thị Hoa Lê, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh cho biết, Trung tâm cũng đã xây dựng 5 chương trình du lịch về nguồn giúp du khách lựa chọn tham quan các điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn tỉnh khi về với Đất Tổ Vua Hùng, gồm chương trình du lịch “Con cháu Tiên rồng về với Tổ tông” với điểm đến Bảo tàng Hùng Vương – Đền chùa Tam Giang – Miếu Lãi Lèn, Đình Thét – Khu di tích lịch sử Đền Hùng – Đền Mẫu Âu Cơ – Đầm Ao Châu, đầm Vân Hội huyện Hạ Hòa (2 ngày, 1 đêm).
Chương trình du lịch “Nhớ ngày giỗ Tổ tháng 3” với các điểm đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Đình Thét - Đình Hùng Lô - thành phố Việt Trì - Đền Lăng Sương - Khu du lịch nước khoáng nóng huyện Thanh Thủy (2 ngày, 1 đêm); chương trình du lịch “Khám phá di sản văn hóa vùng Đất Tổ” với điểm đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Việt Trì - rừng quốc gia Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn - Khu du lịch nước khoáng nóng huyện Thanh Thủy (3 ngày, 2 đêm).
Chương trình du lịch “Về miền trung du” với điểm đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy - Yên Lập - Hạ Hòa (3 ngày, 2 đêm); chương trình du lịch “Tháng 3 trên quê hương Đất Tổ” với điểm đến thành phố Việt Trì - Khu di tích lịch sử Đền Hùng – huyện Đoan Hùng” (2 ngày, 1 đêm).
Bên cạnh đó, Trung tâm đưa thêm 3 tour du lịch. Theo đó, tour 1 là “Khám phá di sản văn hóa vùng đất Tổ”, trong thời gian 1 ngày, du khách sẽ làm lễ dâng hương và cầu bình an tại Đền Mẫu Âu; dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc long Quân - tri ân công đức tổ tiên, các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước. Cuối ngày du khách tham quan làng cổ Hùng Lô với ngôi đình cổ có niên đại trên 300 năm và thưởng thức những làn điệu hát Xoan Phú Thọ.
Tour 2 là “Hành trình về cội nguồn” đưa du khách về với Đền Hùng - nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam như một nét đẹp văn hóa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Tour 3, với điểm đến thành phố Việt Trì - Đền Hùng - Hùng Lô - Vườn quốc gia Xuân Sơn - Thanh Thủy - Việt Trì. Trong thời gian 3 ngày 2 đêm, du khách dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ lạc Long Quân, tham quan làng cổ Hùng Lô, tham quan Vườn quốc gia Xuân Sơn và bản Dù, bản Lấp, bản Cỏi, hang Na, hang Thổ Thần. Ngày cuối, du khách nghỉ ngơi, thư giãn tắm khoáng nóng tại Thanh Thủy và ghé thăm các làng nghề nuôi cá lồng trên sông Đà, trồng nấm, mộc nhĩ sạch, làng nghề truyền thống tương lang Bợ nổi tiếng.
Tiềm năng du lịch lớn Biểu diễn hát Xoan của huyện Phù Ninh trong Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Phú Thọ được coi như là vùng đất "vàng" để phát triển du lịch, với nhiều tiềm năng và lợi thế không đâu có được, như Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng là một không gian văn hóa có một không hai, vô cùng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, Phú Thọ còn sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “hát Xoan Phú Thọ” được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của đại diện nhân loại; Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong mười ba vườn quốc gia của Việt Nam có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao; mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy có trữ lượng lớn hàm lượng nguyên tố vi lượng hữu ích…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích lịch sử và các danh thắng đẹp như Đền Mẫu Âu Cơ, chùa Tam Giang, Ao Giời - Suối Tiên, đầm Ao Châu và rất nhiều loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo như hát Xoan, hát ghẹo, cùng các lễ hội như Hội Phết - Hiền Quan, hội bơi chải - Bạch Hạc, hội rước voi - Đào Xá… Tất cả đã tạo cho Phú Thọ một tiềm năng lớn về du lịch, có thể phát triển khá đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.372 di tích văn hóa, lịch sử và các địa điểm liên quan đến di tích, trong đó có một di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 72 di tích cấp quốc gia; 209 di tích cấp tỉnh, 260 lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ.
Ngoài ra, tỉnh còn có 21 dân tộc cùng chung sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc còn lưu giữ . Đây là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của vùng đất mạch nguồn trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, từ thời đại Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước.
Rước lúa Thần. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Phú Thọ: Những năm gần đây, Phú Thọ đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Từ năm 2011 -2016, tỉnh đã huy động nguồn vốn lớn trên 2.780 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2006 – 2010.
Từ nguồn vốn này, nhiều khu, điểm du lịch trọng điểm đã cơ bản được hình thành tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch của tỉnh như: Khu du lịch Đền Hùng, Đảo Ngọc Xanh, Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương và một số hạng mục của khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Xuân Sơn, khu nước khoáng nóng Thanh Thủy.... đã đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Nhiều khách sạn, nhà hàng cao cấp khác cũng đã và đang triển khai xây dựng, sớm đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch.
Để tiếp tục đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ thu hút khoảng 5.800 tỷ đồng, đến năm 2030 nguồn vốn sẽ tăng lên khoảng 13.000 tỷ đồng đầu tư cho du lịch.
Nguồn vốn này sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh…
Trong đó, nguồn vốn sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Nam Đền Hùng, Tượng Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương, Khu du lịch Bến Gót, giai đoạn 2 Đảo Ngọc Xanh, Vườn quốc gia Xuân Sơn, đầm Vân Hội, hồ Ao Châu, Ao Giời Suối Tiên; hoàn thành từng phần khu du lịch sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao Tam Nông…
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử và đặc biệt là hai di sản văn hóa thế giới “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “hát Xoan Phú Thọ”.
Phú Thọ cũng đưa ra cơ chế chính sách ưu đãi riêng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: hỗ trợ về đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phí hạ tầng, chi phí san lấp mặt bằng, các dịch vụ và xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại...; tạo môi trường thông thoáng thu hút và tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá, xã hội hóa ngành du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu đáp ứng cho nhu cầu phát triển của ngành; đổi mới phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa như Lễ hội Đền Hùng - giỗ Tổ Hùng Vương; tham quan nghiên cứu di tích, hát Xoan…