Phú Quý là một trong số ít những hòn đảo được trời phú cho không những về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên kinh tế biển, mà còn là một địa danh thắng cảnh đầy hấp dẫn, từ lâu vốn được coi là hòn ngọc của vùng cực Nam Trung bộ…
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cư dân trên đảo Phú Quý với phẩm chất cần cù lao động, biết khai thác thế mạnh của vùng đất quý hiếm này đã biến hòn đảo thành điểm nhấn du lịch, kinh tế.
Chắc chắn trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách bốn phương, bởi mong muốn khám phá cuộc sống gắn với thiên nhiên kỳ thú nơi bốn bề sóng nước, chứa đầy trong lòng sản vật quý…
Ngược dòng lịch sử
Sử sách ghi lại đảo Phú Quý từ xa xưa được nhiều người biết đến với nhiều tên gọi như: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù lao khoai xứ, Cù lao thu…Từ năm Thiệu trị thứ 4 (1844) vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho triều đình Huế, nên đảo được đổi tên từ tổng Hạ sang tổng Phú Quý thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Ngày nay, đảo Phú Quý là một huyện thuộc tỉnh Bình Thuận…
Phú Quý đang trở thành điểm nhấn về phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tấn Hùng |
Cũng do trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý đã trở thành nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, trong đó người Kinh đóng vai trò chủ thể… Và khi dân cư ngày một đông đúc hơn thì các hình thức tổ chức xã hội cũng dần dần được hình thành.
Thời vua Lê Hiển Tông – Cảnh Hưng (1740 – 1786), tuy dân số chưa phải đông đúc lắm, nhưng Phú Quý đã có tới 14 làng và 1 ấp. Mỗi làng được lập trên cơ sở một nhóm ngư dân, và thường chỉ mang những tên cũ của địa phương trước khi đến đảo lập nghiệp: Thoại Hải, Thế Hanh, Thế An, Hội Thiên, Hội Hưng, Mỹ Xuyên, Phú Ninh, An Hòa, Hội An, Mỹ Khê, Hương Lăng…
Từ niên hiệu Đồng Khánh – Nguyễn Cảnh Tông năm thứ 1 (1886), toàn đảo được tổ chức thành 11 làng và đến năm 1930 do sự sáp nhập của hai làng Phú Ninh vào Phú Mỹ và Hương Lăng vào Quý Thạnh, nên chỉ còn lại 9 làng và chia làm 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh…
Người dân Phú Quý trong những giai đoạn xa xưa sống trong điều kiện khép kín tự cung, tự cấp với những hoạt động kinh tế truyền thống, thiếu tính hàng hóa gồm trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công dệt vải, đan võng, ép dầu. Trong đó, ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo… Vì thế, Phú Quý xa xưa tuy đẹp nhờ thiên nhiên ban tặng, không đói do nguồn sản vật dồi dào từ biển cả, nhưng không giàu có…
Tiềm năng du lịch và sản vật phong phú nơi biển cả
Phú Quý nằm ở giữa và nam Biển Đông, cách TP Phan Thiết 56,7 hải lý (111 km) về phía đông nam và cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385 km) về phía tây. Nằm giữa trung tâm khai thác hải sản lớn nhất Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ, từ Phú Quý, ngư dân có thể vươn ra các ngư trường xa khơi để khai thác nhiều loại hải đặc sản, bình quân sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 50.000 tấn.
Phú Quý có khí hậu trong lành, biển trong xanh bốn bề sóng vỗ nhẹ nhàng nên thấy rõ địa hình, địa vật dưới độ sâu 5 – 7 m bằng mắt thường. Đặc biệt quanh đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng phong phú, nhiều chủng loại.
Phú Quý còn có nhiều bãi tắm, như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mộ Thầy, nhất là bãi vịnh Triều Dương rộng, toàn là cát trắng mịn không có đá lộ đầu, trên bờ có rặng dừa và rừng dương rợp bóng, lại có nhiều nước ngọt.
Trên đảo còn nhiều danh lam thắng cảnh, các cơ sở tín ngưỡng như: “Chùa Linh Quang”, “Vạn An Thành” (được Bộ Văn hóa - Thông tin cũ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) có mộ Thầy Nại, miếu Bà Chúa Chăm, núi Cao Cát với cảnh quan hùng vĩ được tạo hóa bởi các tầng núi đá dựng đứng. Trong lòng đất Phú Quý còn có nhiều di tích đã được khảo cổ và những ngôi mộ cổ kỳ lạ.
Với đặc điểm nêu trên, Phú Quý là điểm đến tham quan du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, du lịch thể thao, câu cá trên biển và du lịch văn hóa lịch sử. Chương trình hoạt động du lịch Phú Quý gắn với chương trình du lịch biển Trường Sa.
Đồng thời gắn liền với các tour du lịch của toàn tỉnh Bình Thuận và xem việc tham quan du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quý là một bộ phận trong các chương trình tham quan du lịch của các đoàn khách trong và ngoài nước.
Sản vật ở Phú Quý cũng vô cùng phong phú đang mang lại nguồn lợi không nhỏ trong sự phát triển kinh tế nói chung của đảo, cũng như cho đời sống của cư dân trên đảo. Điển hình, hải sâm là loại hải sản được nhiều người ưa thích nhất.
Họ cho rằng ăn hải sâm là bổ thận, tráng dương, thuần âm. Với giá trị dược liệu đó, hải sâm thường “đứng” trong những bữa tiệc long trọng, và nó là nguồn lợi xuất khẩu của ta vì rất được các nước Đông Nam Á và các quốc gia giàu có như Canađa, Mỹ, Ôxtrâylia… ưa chuộng. Da cá mú bông là ẩm thực sang trọng và khoái khẩu của người phố thị.
Trong số các sản vật của biển cả thì cua huỳnh đế là đặc sản có thể được coi là “độc nhất, vô nhị” của vùng biển Phú Quý. Cua huỳnh đế có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn. Ðặc biệt, đầu cua dài và có nhiều râu…, thịt rất ngon và thơm, có lẽ chỉ có tại Phú Quý.
Ốc vú nàng cũng là một trong những hải sản độc đáo, mà mỗi du khách đến với Phú Quý đều muốn thưởng thức, bởi vị ngon khác với những sản phẩm cùng loại nơi vùng biển khác.
Mục tiêu là mang lại giàu sang cho Phú Quý
Đảng bộ và nhân dân Phú Quý đã đặt mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2010 - 2015 là: “Phát triển toàn diện kinh tế hải sản cả về khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu là trọng tâm, gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – du lịch và du lịch…”.
Trong đó, GDP tăng bình quân 11,5 – 12%, với sản phẩm du lịch chiếm tới 1/4 giá trị GDP. Sản lượng hải sản khai thác bình quân hàng năm đạt 22.000 tấn, tăng nhanh giá trị xuất khẩu với nhóm hàng chủ lực là hải sản, đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 6 triệu USD vào năm 2015; giá trị xuất khẩu công nghiệp đạt 350 tỷ đồng (tương đương gần 18 triệu USD). Mục tiêu phấn đấu năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 2.100 – 2.200 USD…
Khách du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Phú Quý. ảnh: tấn hùng |
Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy Phú Quý: Đảng bộ huyện Phú Quý chú trọng tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên – môi trường. Đó là việc tập trung tuyên truyền vận động cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức triệt để sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên đất, nước gắn với tăng cường công tác trồng cây xanh vì sự phát triển bền vững của đảo nhà.
Tiếp tục rà soát lại quỹ đất để đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả từng loại đất; ngăn chặn triệt để tình trạng lấn chiếm đất đai và sử dụng sai mục đích. Kiên trì vận động nhân dân xây dựng bể chứa nước mưa, hố ga thẩm thấu nước mưa, hạn chế thấp nhất tình trạng nước mưa chảy ra biển. Đẩy mạnh hoạt động của Ban quản lý công trình công cộng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường sinh thái, có phương án xử lý tốt chất thải và rác thải….
Cùng đó là sự quan tâm phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch. Huyện sẽ thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp -thương mại - dịch vụ - du lịch đúng theo định hướng quy hoạch phát triển đảo Phú Quý tại Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng kinh tế biển và các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với huyện Phú Quý để thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp và khu thương mại, du lịch đã được phê duyệt.
Tiếp tục khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, chú trọng nâng cao các loại hình dịch vụ phục vụ kinh tế biển, dịch vụ phát triển du lịch và các dự án đầu tư tàu cao tốc. Chủ động các phương án dự trữ lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu.
Những trăn trở và kiến nghị
Có một thực tế là tình hình biển xâm thực quanh đảo đang diễn ra từ nhiều năm nay… Báo cáo của Huyện ủy Phú Quý về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã cho biết: Trước đây, diện tích của đảo Phú Quý là 32 km2.
Đến năm 1998, theo khảo sát tình hình và quản lý bộ máy thủy sản thì đảo Phú Quý còn 28 km2. Năm 2005, qua đo đạc sử dụng đất, Phú Quý có diện tích tự nhiên là 17,82 km2… Thực tế trên cho thấy, biển xâm thực rất nhiều khu vực xung quanh đảo…
Để giữ vững diện tích đảo trước nạn xâm thực và tạo điều kiện cho đảo Phú Quý phát triển bền vững, phát huy thế mạnh của đảo du lịch, kinh tế, nghỉ dưỡng, một trong những nơi có vùng biển đẹp, khí hậu hiền hòa bậc nhất nước ta, Đảng bộ và nhân dân Phú Quý kiến nghị Trung ương, tỉnh và các bộ, ngành quan tâm, triển khai nhanh chóng lộ trình, danh mục cụ thể đầu tư cho Huyện đảo Phú Quý theo Quyết định 568 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến 2020…
Trước mắt đề nghị Chính phủ đầu tư nâng cấp sân bay tại Phú Quý; đồng thời có cơ chế, chính sách, ưu đãi, hỗ trợ về vốn, lãi suất và kêu gọi đầu tư tàu cao tốc công suất lớn tuyến Phú Quốc – Phan Thiết (thủ phủ tỉnh Bình Thuận), phục vụ nhu cầu đi lại của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Phú Quý.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh cảng Phú Quý, phục vụ việc neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão; nâng cấp đường vành đai quanh đảo đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng…
Trong thời gian tới đề nghị tỉnh và Trung ương quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ ngư dân phát triển ngành đánh bắt xa bờ. Thành lập cảnh sát biển để kiểm soát tình hình khai thác, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi hải sản, môi trường biển và an ninh quốc phòng biển đảo…
Hoàng Yến