Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, du lịch được coi là cầu nối, phương tiện gìn giữ hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia. Liên kết du lịch không chỉ là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mà còn là một giải pháp quan trọng nhằm khai thác triệt để thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, biến các giá trị văn hóa truyền thống thành sức mạnh thu hút du lịch, hướng tới một nền du lịch Việt Nam phát triển bền vững và lâu dài. Tăng cường liên kết phát triển du lịch cũng là một trong 5 nội dung chính của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhiều tiềm năng
Là vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, Tây Bắc là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với một không gian văn hóa rất rộng lớn và phong phú. Những năm gần đây, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc.
Du khách tham quan bếp Hoàng Cầm tại khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN |
Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã tăng cường công tác đối ngoại, tích cực đẩy mạnh các mối liên hệ, trao đổi, tiếp xúc với Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam. Nhiều tỉnh đã chủ động mời, đón các đoàn Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Hà Nội lên thăm, làm việc, tìm hiểu địa phương.
Các nỗ lực hợp tác quốc tế đã mang lại những nguồn lực phát triển quan trọng cho Tây Bắc. Nguồn vốn ODA cho khu vực Tây Bắc đến cuối năm 2013 đạt gần 2,6 tỷ USD; FDI đến tháng 3/2014 đạt trên 8,1 triệu USD; viện trợ phi chính phủ nước ngoài tăng đều từng năm trong hơn 10 năm qua, từ chưa đầy 10 triệu USD vào năm 2003 lên 50 triệu USD năm 2013… Các nguồn lực hợp tác này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng Tây Bắc.
Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc năm 2014 và gặp gỡ Ngoại giao Đoàn là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm góp phần nâng cao vị thế, phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc; khẳng định vai trò quan trọng của việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng, các tỉnh trong vùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong phát triển du lịch; là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, Đoàn Ngoại giao, cơ quan quản lý hoạt động du lịch gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư, góp phần đưa vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững. |
Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh và giúp thế giới biết đến Tây Bắc, Việt Nam - vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch; nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với một không gian văn hóa rất rộng lớn và phong phú; có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú; nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng gắn với các lễ hội, phong cảnh đẹp.
Đến với Tây Bắc nói riêng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ của Việt Nam nói chung, có thể thấy, các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trong vùng được xác định gắn với những giá trị hào hùng về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, với những địa danh lịch sử và những đặc trưng rất riêng, độc đáo và ý nghĩa, có giá trị đặc biệt hấp dẫn du lịch như: Điện Biên gắn với quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ, Mường Phăng…; Phú Thọ gắn với lễ hội Đền Hùng và hệ thống di tích thời đại Hùng Vương, nơi có hai di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Tuyên Quang, Thái Nguyên gắn với lịch sử cách mạng qua các cuộc kháng chiến như Tân Trào, ATK Định Hóa; Hà Giang gắn với công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, cảnh quan Mèo Vạc; Lào Cai gắn với khu nghỉ mát Sa Pa, Phan Xi Phăng và vườn quốc gia Hoàng Liên;…
Đối với vùng Tây Bắc, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương tích cực tham gia để phát triển du lịch, một số mô hình liên kết đã cho kết quả bước đầu. Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, như: Mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong chương trình du lịch về cội nguồn. Mô hình liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn) và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) cũng đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án cung đường Tây Bắc, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch.
Nhưng chưa được khai thác
Tuy nhiên, trong phát triển du lịch, đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng trũng, tuy giàu tiềm năng, phong phú, đa dạng về tài nguyên du lịch nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả và phát triển bền vững; chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất, sức cạnh tranh kém so với các vùng du lịch khác trong cả nước. Hiệu quả kinh tế du lịch còn khiêm tốn, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế địa phương. Điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm du lịch còn đơn sơ, rời rạc, chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu thu hút thị trường trong và ngoài nước.
Liên kết phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc hầu như mới chỉ dừng lại ở hình thức, trao đổi kinh nghiệm, chưa huy động được nguồn lực và khuyến khích sáng tạo để đầu tư, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Những kết quả trong hợp tác quốc tế còn khiêm tốn so với tiềm năng và triển vọng phát triển của vùng bởi những trở ngại, thách thức do cả khách quan và chủ quan mang lại, như: Điều kiện giao thông cách trở, đường sá xa xôi, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều yếu kém, nguồn lực hạn chế, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập, toàn cầu hóa…
Theo BCĐ Tây Bắc