Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP - Bài cuối: Tạo không gian phát triển mới

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn.

Cùng với đó, trong bối cảnh du lịch - ngành kinh tế tổng hợp nước ta đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phục hồi, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững và đi vào chiều sâu, việc phát huy thế mạnh từ tài nguyên là các sản phẩm OCOP, sẽ tạo ra không gian phát triển mới với sự gắn kết hiệu quả hơn. Qua đó, gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho cả sản phẩm OCOP và điểm đến du lịch.  

Chú thích ảnh
Hàng chục loại mắm đặc sản miền Tây bày bán tại Vương quốc mắm Châu Đốc, An Giang. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

 Giá trị gia tăng nhiều hơn

Đánh giá về tiềm năng khai thác các sản phẩm OCOP gắn kết với hoạt động du lịch, nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các địa phương đều còn rất nhiều dư địa để phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn. Điều cốt lõi là có giải pháp thực hiện, phối hợp đồng bộ và căn cơ để cùng lúc tạo được hiệu quả cả về mặt kinh tế, tạo sinh kế cho người dân được bền vững hơn cũng như nâng tầm giá trị, quảng bá và lan tỏa hiệu quả hơn về khía cạnh văn hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, mỗi địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ về chất lượng, mẫu mã mà còn cần kể những câu chuyện riêng liên quan đến từng sản phẩm, thông tin nhiều hơn về giá trị của nguồn nguyên liệu tại địa phương, cách thức sản xuất, chế biến riêng biệt. Có như vậy mới tránh được sự trùng lặp, mới tạo được giá trị gia tăng nhiều hơn.

Ở góc độ cụ thể địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh đặc thù, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin, tỉnh có nhiều sản phẩm đặc sản gắn với các ngành nghề truyền thống. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững. Tỉnh ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế và có giá trị truyền thống, đặc thù, xây dựng một số mô hình “Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương”, “Thí điểm sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành Du lịch -dịch vụ”.

Chú thích ảnh
Phụ nữ Thái bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Nghệ An) tỷ mỉ tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo. Ảnh: TTXVN

An Giang tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh từ các sản phẩm làng nghề như: làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ở Văn Giáo (huyện tịnh Biên), làng nghề dệt thổ cẩm đồng bào Chăm ở xã Châu Phong và nghề dệt lãnh Mỹ A (cùng ở thị xã Tân Châu,) các sản phẩm từ nghề rèn ở huyện Phú Tân, các sản phẩm từ cây thốt nốt như đường thốt nốt, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bánh bò thốt nốt, chuyển tải, đưa hình ảnh cây thốt nốt đến với người tiêu dùng và du khách, góp phần tăng nét đặc  sắc, tạo giá trị gia tăng cho từng sản phẩm.

Với Đồng Tháp, để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP và hoạt động du lịch, giúp du khách trải nghiệm nhiều hơn, biết đến nhiều sản vật của vùng đất Đồng Tháp Mười, tỉnh tăng cường tạo sự gắn kết giữa sản phẩm OCOP và du lịch, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách, tiếp tục phát huy thế mạnh là địa phương có nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP, trong đó có những điểm du lịch đồng thời là sản phẩm OCOP như Khu vui chơi miệt vườn Hùng Thy, Homstay Ngôi nhà Hoa và Ếch…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu khẳng định, tỉnh coi trọng phát triển hệ thống các sản phẩm mang tính liên kết cao như sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, trải nghiệm tham quan làng nghề, phát triển các tuyến du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, mua sắm sản phẩm OCOP, tìm hiểu văn hóa địa phương. Tỉnh quan tâm thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm từ sen, xoài, quýt hồng Lai Vung, cá tra - những ngành hàng thế mạnh, chủ lực của Đồng Tháp.

Gìn giữ, chuyển tải các giá trị văn hóa

Chú thích ảnh
Vùng trồng sen tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN

Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm đó luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần. Do vậy, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa  kết tinh trong sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách là rất cần thiết. Để gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP, góp phần định vị điểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách, đòi hỏi các cấp, các ngành có sự phối hợp đồng bộ, mỗi chủ thể của điểm đến hay sản phẩm OCOP đều cần chú ý gìn giữ phát huy và chuyển tải các giá trị văn hóa đặc trưng trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong từng sản phẩm OCOP.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và phát huy giá trị. Các đơn vị chức năng phối hợp triển khai, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ cho du lịch nông thôn, tập trung vào các nhiệm vụ như nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền.

Liên quan đến phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn đối với các sản phẩm OCOP, thu hút sự quan tâm, lựa chọn của người dân và du khách, Thạc sỹ Đào Thị Diễm Trang (Trường Đại học Văn Lang) cho rằng, vẫn còn tình trạng nhiều sản phẩm OCOP dù chất lượng đã được khẳng định nhưng lại chưa được nhiều người lựa chọn. Lượng tiêu thụ sản phẩm còn thấp do nhiều nguyên nhân như chưa làm nổi bật giá trị sản phẩm, các giá trị về văn hóa, nhân văn được thể hiện qua sản phẩm chưa được coi trọng chuyển tải đến người tiêu dùng. Nhu cầu của du khách hiện nay không chỉ dừng ở việc tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến mà còn mua sắm các sản phẩm đặc sản, quà lưu niệm. Vì vậy, các chủ thể của sản phẩm OCOP cần có những dẫn giải, thuyết minh, kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử liên quan đến sản phẩm, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách nói riêng, người tiêu dùng nói chung.

Chị Đặng Mai Hiên, du khách từ Hà Nội trong chuyến du lịch An Giang đã chọn mua đặc sản khô bò, lạp xưởng bò của  người Chăm ở thị xã Tân Châu. Chị chia sẻ, sản phẩm có nhãn mác, được gắn sao OCOP rõ ràng. Không những thế, được người bán hàng nói về cách thức chế biến độc đáo, cầu kỳ, thể hiện nét văn hóa ẩm thực của người Chăm theo đạo Islam, chị và các du khách trong đoàn rất tin tưởng chọn mua. Chị mong muốn mỗi điểm đến, địa phương đều có những người giới thiệu, bán hàng am hiểu và hướng dẫn chính xác, hấp dẫn về những đặc sản của địa phương để du khách trong chuyến du lịch hiểu, chọn mua nhiều món quà, đặc sản ý nghĩa, tiêu biểu từ điểm đến.

Thanh Trà (TTXVN)
Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP - Bài 1: Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến
Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP - Bài 1: Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN