Ninh Thuận tạo đột phá, đưa ngành du lịch phát triển xứng tầm

Nằm ven biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với 105 km đường bờ biển cùng nhiều vùng biển sâu, vũng, vịnh, cồn tuyệt đẹp như: Biển Ninh Chữ, biển Cà Ná, biển Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, đồi cát Nam Cương, đồi cát Mũi Dinh… đồng thời là cửa ngõ của cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận hội tụ đủ điều kiện để phát triển “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển

Ninh Thuận được xác định là một trong những địa phương trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Du lịch cũng là một trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh. Khai thác cơ hội và tiềm năng sẵn có, tỉnh Ninh Thuận đã có Nghị quyết số 07 - NQ/TU ngày 10/4/2012 về phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình hành động số 134 - CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền neo đậu tại vịnh Vĩnh Hy.

Xác định tầm quan trọng của phát triển du lịch biển ở địa phương, UBND tỉnh tập trung rà soát, quy hoạch các khu du lịch trọng điểm, khai thác lợi thế về du lịch biển. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ở những thành phố lớn để các nhà đầu tư thấy được vùng đất tiềm năng và con người Ninh Thuận cũng như các cơ chế, chính sách mà tỉnh ưu đãi để thu hút phát triển du lịch. Nhờ đó, giai đoạn 2007 - 2017, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút hơn 50 dự án với tổng vốn đăng ký 15.133 tỷ đồng.

Đến nay, Ninh Thuận đã có 21 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký 2.792 tỷ đồng, chiếm 42% tổng số dự án đăng ký; trong đó có một số dự án quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao như: Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa (Amanơi) tiêu chuẩn 5 sao, Khu du lịch Sài Gòn - Ninh Chữ tiêu chuẩn 4 sao, Khu du lịch Long Thuận tiêu chuẩn 3 sao, Khu du lịch TTC Resort tiêu chuẩn 3 sao. Một số dự án cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành như: Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark của Công ty Cổ phần Mũi Dinh EcoPark, Khu du lịch cao cấp Núi Chúa của Công ty Thành Trung, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam...

Ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Nỗ lực của tỉnh đã mang lại hiệu ứng tích cực đối với ngành du lịch địa phương. Minh chứng rõ nét là du khách trong và ngoài nước đến tỉnh những năm gần đây tăng nhanh, từ 370 nghìn lượt khách năm 2007, đã tăng lên 1,9 triệu lượt khách năm 2018, trong đó khách quốc tế 61 nghìn lượt người. Doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng nhanh, từ 184 tỷ đồng năm 2007 lên 883 tỷ đồng năm 2017; tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm.

Tạo đột phá, nâng tầm phát triển

Để trở thành trọng điểm du lịch quốc gia và có thương hiệu du lịch biển, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đầu tư, hình thành khu du lịch trọng điểm với các loại hình du lịch đặc biệt có tính cạnh tranh cao; đồng thời xây dựng kế hoạch nâng cấp đồng bộ các điểm tham quan hiện có, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các điểm tham quan, nghỉ dưỡng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác, để đến năm 2025, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết: Trước mắt, tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển, nhất là các khu vực biển Bình Tiên - vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Hòn Đỏ, Đầm Nại, Mũi Dinh và Cà Ná để sớm hình thành các khu du lịch có đẳng cấp. Tỉnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cảng chuyên dùng, phục vụ du lịch biển Bình Tiên - vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Mũi Dinh… để tiếp nhận các tàu du lịch trong nước, tạo sự khác biệt có tính cạnh tranh cao so các tỉnh trong khu vực, nhằm cung cấp các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước. Trước mắt, Ninh Thuận tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, đường vào các khu du lịch biển, hoàn thành đầu tư đường đi bộ ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ, hạ tầng kỹ thuật khu du lịch vịnh Vĩnh Hy, Đầm Nại…

Để các nhà đầu tư biết nhiều hơn và sẵn sàng đến với Ninh Thuận, UBND tỉnh tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư có uy tín tham gia các dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, từng bước hình thành các trung tâm du lịch ven biển đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; đồng thời tăng cường liên kết, phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh và kết nối liên vùng; đa dạng hóa và tạo ra các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang sắc thái riêng của địa phương; đẩy mạnh khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù nắng và gió để phát triển các dịch vụ thể thao như kéo dù, lướt sóng, thuyền buồm, đua mô tô trên cát… nhằm tạo sự khác biệt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu “khám phá và tận hưởng” của du khách.

Với lợi thế về tiềm năng, vị trí địa lý, giao thông thuận tiện cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của tỉnh, hy vọng trong thời gian sớm nhất, Ninh Thuận trở thành điểm hấp dẫn du khách, đủ khả năng cạnh tranh về thu hút du lịch với các địa phương trong khu vực và cả nước.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
10 năm Chiến lược biển Việt Nam: Thái Bình phát triển kinh tế hướng ra biển
10 năm Chiến lược biển Việt Nam: Thái Bình phát triển kinh tế hướng ra biển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chỉ rõ, phát triển kinh tế biển là một trong những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN