Nhà đầu tư đổ xô trở lại khu vực cảng Kê Gà

Sau 4 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngừng dự án cảng Kê Gà, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, nhiều nhà đầu tư đã trở lại vùng đất này với những dự án du lịch mang sức sống mới.

Đây là một tín hiệu đáng mừng, tạo tiền đề giúp du lịch huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và tuyến du lịch phía Nam Bình Thuận nói chung chuyển mình đi lên.

Hàng trăm cụm đá hoa cương khổng lồ, vàng rực, nằm rải rác quanh đảo Kê Gà và ngọn hải đăng. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Khu vực bãi biển Thuận Quý - Kê Gà dài hơn 23km, với những bãi cát trắng hoang sơ, những bãi đá nhiều hình thù độc đáo cùng ngọn hải đăng Kê Gà… từ lâu đã được quy hoạch làm động lực phát triển du lịch của huyện Hàm Thuận Nam. Cùng với đó, cụm du lịch Thuận Quý - Kê Gà kết hợp với các địa điểm du lịch nổi tiếng như khu du lịch Tà Cú với chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật nằm dài 49m, Dinh thầy thiếm La Gi, tuyến du lịch huyện Hàm Tâm… sẽ tạo nên một tuyến du lịch phía Nam của tỉnh. Trước tiềm năng này, nhiều nhà đầu tư đã chọn khu vực này để đầu tư, xây dựng dự án.

Tuy nhiên vào năm 2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo chủ trương xây dựng cảng Kê Gà. Ngoài 12 dự án bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều dự án du lịch buộc phải dậm chân tại chỗ, thậm chí bỏ hoang vì không thể triển khai.

Đến năm 2013, Thủ tướng đã yêu cầu ngừng dự án xây dựng cảng Kê Gà với lý do không hiệu quả. Đến nay, nhiều chủ đầu tư bất động sản, khu du lịch đã trở lại với vùng đất này. Các khu du lịch, resort, trung tâm thương mại… đang được xây dựng với quy mô lớn, sôi động hơn. Vùng đất này như được hồi sinh.

Theo thống kê của huyện Hàm Thuận Nam, toàn huyện hiện có 71 dự án còn hiệu lực, trong đó 20 dự án đi vào hoạt động, 20 dự án đã khởi động lại với tiến độ thi công rất nhanh. Các dự án còn lại chậm triển khai vì các nguyên nhân như: yếu năng lực tài chính, vướng đền bù với người dân… Năm 2016, toàn huyện đón trên 400.000 lượt khách. Trong 6 tháng đầu năm 2017 lượng khách lên đến 210.000 lượt.

Ông Đỗ Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Sau khi Chính phủ dừng Dự án cảng Kê Gà, tình hình du lịch của huyện Hàm Thuận Nam, đặc biệt là khu vực Kê Gà phát triển tương đối tốt, nhất là hai năm trở lại đây. Hiện nay, các dự án du lịch biển Kê Gà - Thuận Quý có nhiều đổi mới.

Phần lớn các dự án du lịch tại đây đều xây dựng theo hướng không gian mở và hướng về thiên nhiên. Ngoài ra, loại hình du lịch dã ngoại, cắm trại đang là xu hướng được nhiều chủ đầu tư lựa chọn.

Khu du lịch Tropical Ocean resort - Biển Nhiệt đới với diện tích gần 6 ha, do Tổng Công ty May Nhà Bè làm chủ dự án. Đây là một trong số những dự án khởi động mạnh mẽ và đưa vào hoạt động sớm trong khu vực này.

Kê Gà như một thiên đường xanh vươn mình trên bãi biển đầy nắng và gió. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Ông Trần Minh Toàn, Đại diện khu du lịch Biển Nhiệt Đới cho biết: dự án được cấp phép từ năm 2006. Trước đây vì có quyết định xây dựng Cảng nước sâu Kê Gà nên dự án dừng triển khai. Tuy nhiên, sau quyết định dừng xây dựng cảng, Tổng Công ty may Nhà Bè đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu du lịch. Sau 2 năm xây dựng, tháng 12/2016, khu du lịch hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng khu khách sạn, resort ven biển với công suất 100 phòng. Tropical Ocean Resort có vị trí khá lý tưởng nằm trên các tuyến đường du lịch ven biển trải dài từ Vũng Tàu cho đến Mũi Né. Với lối kiến trúc hiện đại, toàn bộ khu du lịch được thiết kế theo không gian mở sẽ tạo ra điểm đến lý tưởng tại khu vực này.

Sở hữu vị trí đắc địa đối diện ngọn hải đăng Kê Gà, Khu du lịch Biển Đá Vàng là đơn vị tiên phong hoạt động theo loại hình du lịch dã ngoại, cắm trại kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp, ẩm thực vui chơi, giải trí. Khu du lịch có tổng diện tích hơn 10ha với vốn đầu tư 65 tỷ đồng. Được triển khai xây dựng từ tháng 3/2016, đến nay, dự án đã xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Khu du lịch thiên về phục vụ giới trẻ với không gian lớn để cắm trại, dựng lều ngủ trên biển và hệ thống nhà container, nhà gỗ đa sắc…


Đại diện khu du lịch Biển Đá Vàng cho biết, khi hoàn thành giai đoạn 2, dự án sẽ đưa vào phục vụ chuỗi khách sạn 4 sao, khu nhà hàng, khu dự tiệc ngoài trời, khu mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe phục vụ nhu cầu của du khách… Bên cạnh đó, khu du lịch Biển Đá Vàng còn xây dựng một không gian nghỉ dưỡng đẳng cấp với hơn 26 căn biệt thự và 200 căn condotel (sự kết hợp giữa căn hộ và khách sạn).

Tuy nhiên, hiện cơ sở hạ tầng của huyện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là tuyến đường ven biển DT 719. Bên cạnh đó, hình ảnh du lịch Thuận Quý, Kê Gà vẫn còn ít người biết đến.

Theo ông Đỗ Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện cơ sở hạ tầng của huyện còn nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện kêu gọi các dự án đầu tư kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với vui chơi giải trí, thương mại để tạo sân chơi cho du khách. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các dự án du lịch hoạt động đồng thời thu hút đầu tư hơn nữa, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước… Huyện sẽ đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất sạch phục vụ nhà đầu tư; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Hàm Thuận Nam.

Với tiềm năng du lịch khá mạnh cùng tâm huyết của các nhà đầu tư và sự quyết tâm của chính quyền địa phương, trong thời gian không xa, tuyến du lịch Kê Gà - Thuận Quý sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của Bình Thuận, tạo động lực để chuỗi du lịch phía Nam tỉnh phát triển vượt bậc.

Hồng Hiếu (TTXVN)
Biển Đá Vàng, dự án đầu tiên tại cảng Kê Gà hồi sinh
Biển Đá Vàng, dự án đầu tiên tại cảng Kê Gà hồi sinh

Công ty cổ phần Thương mại-Dịch vụ BĐS nghỉ dưỡng Ý Ngọc Bình Thuận (Công ty Ý Ngọc Bình Thuận) dự án khu resort nghỉ dưỡng Biển Đá Vàng vừa khai trương giai đoạn 1 dự án Biển đá vàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN