Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chủ tịch Hội đồng TAT Natthriya Thaweevong cho biết động thái này phù hợp với thông báo đầy tham vọng của Chính phủ Thái Lan nhằm quảng bá “xứ sở Chùa Vàng” như một điểm đến du lịch lớn. Các chiến lược mà TAT đề ra bao gồm thu hút các sự kiện lớn trong nước và cung cấp các gói tour được thiết kế để đáp ứng sở thích của từng du khách, chẳng hạn như người cao tuổi và khách du lịch chữa bệnh.
Bà Natthriya lưu ý rằng sở thích của khách du lịch đã thay đổi trong thời kỳ hậu COVID-19, song ngành du lịch vẫn có thể tạo ra doanh thu cho Thái Lan ngay lập tức, khác với ngành xuất khẩu vốn có thể phải mất thêm một thời gian nữa mới phục hồi hoàn toàn. Bà khẳng định Thái Lan có thể thu hút tới 39 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay và đạt doanh thu du lịch 3.000 tỷ baht theo kế hoạch, một phần nhờ các sự kiện du lịch lớn vào cuối năm.
Tuy nhiên, bà cho biết du lịch nội địa năm nay đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh nước ngoài để thu hút du khách Thái Lan. Bà nói thêm, các công ty lữ hành Trung Quốc đang cung cấp các gói tour với giá rẻ để thu hút khách du lịch Thái Lan.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng TAT Thapanee Kiatphaibool cho biết cơ quan này đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng doanh thu du lịch lên 3.400 tỷ baht vào năm tới. Theo bà Thapanee, mục tiêu này có thể đạt được bằng cách thu hút ít nhất 40 triệu lượt khách nước ngoài đến Thái Lan và khuyến khích 220 triệu du khách Thái Lan đi du lịch nội địa. Bà nói thêm rằng TAT đã đề nghị ngân sách 6,23 tỷ baht cho năm tài chính 2025, bao gồm 4,34 tỷ baht để tổ chức các dự án và hoạt động.
Hơn nữa, trong năm 2025, TAT đặt mục tiêu cho phép các thành phố hạng hai tạo ra doanh thu 25% mỗi năm bằng cách thu hút khách du lịch có mức chi tiêu cao đến thăm. Bà Thapanee cho biết TAT sẽ cung cấp các sản phẩm du lịch và điểm tham quan mới để thu hút khách hàng hiện tại và khách hàng mới ở châu Âu, Mỹ, Trung Đông và châu Phi, cùng với việc tăng năng lực bay để hỗ trợ du khách đường dài.
Giới chức du lịch Thái Lan sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hút khách du lịch trên khắp châu Á và Nam Thái Bình Dương, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Philippines. Bên cạnh đó, nước này cũng nhắm tới lượng du khách từ các nước láng giềng như Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam để kích thích du lịch lâu dài.
Đối với du lịch nội địa, TAT sẽ triển khai các chiến dịch quảng bá sức hấp dẫn của Thái Lan trong suốt cả năm. Bà cho biết: “Chúng tôi tin rằng du lịch nội địa có thể duy trì nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau”. Cơ quan này cũng đặt mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong truyền thông du lịch bằng cách phát triển nội dung đáp ứng sở thích của khách du lịch, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bà Thapanee cũng nêu ra những thách thức trong việc tạo ra những trải nghiệm du lịch có giá trị và đưa Thái Lan hướng tới sự bền vững, chẳng hạn như tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc thiết kế, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, hay chi phí sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng tới thị trường du lịch, đặc biệt là chi phí tiếp thị để thu hút khách du lịch mục tiêu. Bên cạnh đó, những thách thức như tin giả, tấn công mạng, sự phân cực và liên kết chính trị cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch toàn cầu.