Ngoài đền chùa cổ kính, hang động kỳ ảo, thiên nhiên phóng khoáng, giàu cỏ cây, chim thú, cây thuốc… Hương Sơn còn có đặc sản mời khách thập phương thưởng thức để tỏ tấm lòng thơm thảo nơi đất Phật, đó là quả mơ- thường gọi là mơ Chùa Hương hoặc mơ Hương Sơn (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội).
Công dụng của quả mơ
Theo tài liệu của các nhà thực vật học thì cây mơ có bộ rễ khỏe, ăn sâu vào đất, len lỏi vào các ngóc ngách để hút chất màu, nên có thể mọc tốt trên các loại đất lẫn đá, nếu tầng đất lẫn đá dày và có những kẽ nứt.
Nhờ có khả năng chịu khô hạn giỏi, cây mơ là loại cây trồng đặc biệt thích hợp với các vùng đất đá vôi, vì nó không mắc bệnh vàng lá. Điều này giải thích tại sao cây mơ phát triển tốt ở vùng núi đá vôi Hương Sơn. Mơ ưa mọc ở các quèn, eo, miền núi có đất.
Từ ngữ Hán - Việt gọi mơ là mai. Tuy nhiên, có giống mai không hẳn là mơ, người ta trồng chỉ để chơi hoa. Lại có giống mai có quả to, nhưng quả mai không giống quả mơ. Hoa mai cũng khác hoa mơ. Hoa mơ giống hoa mận, cánh xốp, màu trắng. Còn hoa mai có 8 cánh hoặc 12 cánh, gọi là mai Giáo vàng, xếp chồng thành ba, bốn tầng, thậm chí có loại có tới 24, 36, 84 hoặc 105 cánh.
Gỗ cây mơ già có mùi thơm mát, lấy từng thanh nhỏ nấu nước uống, gọi là nước “lão mai”, màu đỏ hồng, uống nhẹ người. Ong rất thích hoa mơ vì mật hoa mơ có nhiều đường và một số chất thích hợp với sự phát triển của ong.
Ô mai, rượu mơ và...
Trong sách thuốc “Nam Dược thần hiệu” của danh y Tuệ Tĩnh, quả mơ Hương Sơn cùi dày, hạt nhỏ, chua mà không chát. Căn cứ vào hình dáng, màu sắc, người ta phân biệt:
- Mơ nứa: Quả to, tròn, nhiều nước, màu da hơi bạc. Cây thưa quả.
- Mơ đào: Quả to, đầu nhọn. Hình hơi giống quả đào. Cây sai quả.
- Mơ mép giải hay chấm son: Quả không to, có chấm đỏ. Cây sai quả.
- Mơ bồ hóng: Quả có chấm đen. Cứ gió nồm về là chỗ có chấm đen lại bị nẫu. Vì thế loại mơ này hiện nay ít người trồng.
Ngoài chức năng để giải khát, chế rượu, mơ còn có công dụng chữa một số bệnh. Theo sách thuốc cổ, quả mơ có vị chua, tính hàn, không độc, trừ nhiệt, chỉ huyết, sinh tâm dịch (nước bọt), lợi cuống họng, trị chứng phong, tiêu đờm, khó thở, phù thũng, trị giun, nên được chế biến thành nhiều loại thuốc, trong đó có ô mai.
Ô mai là quả mơ ngâm trong muối, nhân dân thường dùng để ngậm ho. Y học dân tộc gọi là bạch mai (bạch là trắng, mai là mơ) vì có lớp muối trắng kết tinh bám vào da quả mơ hay còn gọi là diêm mai (diêm là muối, mai là mơ).
Ngoài chế biến thành ô mai, người ta còn chế biến mơ thành nhiều dạng như xirô. Đặc biệt người dân Hương Sơn còn biết cách chế biến mơ thành một loại rượu nhẹ, uống vào cảm thấy “êm” mà không bị đau đầu.
Mơ được ủ với đường kính trong các chum sành lớn thành xirô, sau đó pha với rượu nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng. Rượu mơ có màu vàng xanh, vị chua thanh, dịu và đặc biệt có mùi hương đặc trưng. Rượu mơ giúp ăn ngon miệng, dễ tiêu và tăng thị lực.
Quả mơ xuất khẩu
Mơ là một trong số những món ăn ưa thích của người Nhật Bản. Hằng năm, Nhật Bản nhập một lượng mơ rất lớn từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Sau khi nhập mơ về, họ chế thành thực phẩm ăn ngay, bán tại các cửa hàng, siêu thị. Sau khi đã dùng muối tinh khử bớt muối ở quả mơ, rồi tiến hành sao tẩm thêm nhiều hương liệu, đem nướng bằng than hoa hoặc than củi. Tinh dầu trong hạt mơ thẩm thấu ra thịt mơ làm mơ ngon ngọt, dậy mùi thơm...
Mơ bán thành phẩm xuất sang thị trường Nhật Bản phải tốn nhiều công phu. Trước hết, cây mơ phải được chăm sóc đúng kỹ thuật, không để mơ ra hoa, ra quả tự nhiên. Mơ được chọn lựa kỹ rồi rửa sạch, đem phơi bằng nong tre, nơi ít bụi bẩn, bên trên phủ vải trắng, đặt trên giá, cách mặt đất 0,70 cm, có hệ thống lưới bảo vệ, giữ nhiệt độ ổn định, tránh phơi bị cháy xém khiến thịt và vỏ quả mơ bị xoắn vỏ đỗ, không dẻo.
Đến nay, sản phẩm mơ Việt Nam đã quen thuộc với người dân Nhật Bản...
Công việc trước mắt của các nhà sản xuất – kinh doanh rượu mơ là cần nhanh chóng công bố có tính pháp lý về thương hiệu rượu cũng như mơ tinh chế, chống tình trạng hàng giả, hàng nhái, ổn định số lượng, chất lượng sản phẩm “đầu vào, đầu ra” góp thêm sản phẩm xuất khẩu, tạo thêm việc làm cho người dân...
H. Sơn