Miễn visa nửa vời, khó kích cầu du lịch

Mục tiêu của việc triển khai chương trình miễn thị thực đơn phương cho du khách đến từ 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy), là nhằm kích cầu du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch khi đến Việt Nam. Nhưng trên thực tế, con số miễn visa 15 ngày và 5 quốc gia đều là con số nửa vời, chưa phù hợp với thực tế và chưa thực sự phát huy được hiệu quả của chương trình kích cầu này.

Cắt giảm thời gian tour

5 thị trường Tây Âu thuộc diện miễn giảm visa gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy; đều là thị trường khách xa, bởi vậy thời gian của một tour hoàn chỉnh phải là 20 - 30 ngày. “Bỏ ra số tiền vé máy bay lên tới hàng ngàn USD, nên du khách đều muốn đi dài ngày cho “đã”, với lại, để khám phá hết được các điểm đến của du lịch Việt Nam, thì cũng cần tới thời gian như vậy”, một đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Việc miễn visa cũng cần cân nhắc để tạo thuận lợi nhất cho du khách quốc tế.


Thời gian lưu trú của khách như vậy sẽ vênh với thời gian được miễn visa là từ 5 - 10 ngày. Với 5 - 10 ngày còn lại ấy, hoặc là khách phải chọn cách làm visa bổ sung với mức tiền vẫn là 45 USD như quy định. Hoặc cách thứ hai, mà hiện nay các doanh nghiệp đang rục rịch hướng tới, là cắt giảm thời gian tour cho khách xuống chỉ còn dưới 15 ngày để không phải mất tiền cũng như mất thời gian đi làm visa. “Thêm 5 ngày mà khách lại phải làm visa với mức phí 45 USD thì có khác gì là không được miễn visa. Nên hiện nay, khi khách đặt tour là chúng tôi đã thông tin cho khách rất rõ ràng: Hoặc chọn được miễn visa, hoặc chọn tour thời gian dài và chấp nhận làm visa ngay từ đầu, bỏ qua vụ miễn visa 15 ngày đầu tiên, bởi nếu không, sẽ rất vất vả để khách hoặc công ty du lịch đi làm visa cho 5 ngày cuối, vì chỉ có tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... mới làm được thủ tục gia hạn visa”, đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh.

“Khung thời gian đã quy định trong Luật khó có thể sửa ngay, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước sớm tháo gỡ thủ tục hành chính khi gia hạn thời gian lưu lại Việt Nam sẽ giúp khách lựa chọn thời gian lưu trú tại Việt Nam lâu hơn”

Đại diện Hiệp hội Lữ hành

Còn một vấn đề nữa nảy sinh trong thực tế làm tour của các doanh nghiệp là việc khách thường nối tour từ các quốc gia khác trong khu vực cùng với tour đến Việt Nam. Khi đó, việc miễn visa cũng trở thành... vô nghĩa. “Trên thực tế, khách từ các thị trường xa thường chọn đi du lịch nhiều nước trong khu vực. Có nhiều đoàn đến Việt Nam, sau đó sang Lào, Campuchia, rồi lại trở lại Việt Nam. Theo quy định, với du khách đến từ các thị trường 5 nước Tây Âu được miễn visa, nếu nhập cảnh lại Việt Nam trước 30 ngày, sẽ phải làm visa tại cửa khẩu với mức phí 45 USD, vậy là tour này của khách coi như không được miễn visa”, bà Thùy Dương, đại diện doanh nghiệp du lịch Eviva chia sẻ.

Theo các đại diện doanh nghiệp du lịch, để tạo thuận lợi cho du khách, thì cần có sự “uyển chuyển” hơn trong việc triển khai miễn visa, đơn cử như việc tăng số ngày miễn visa lên đủ 30 ngày cho tròn một tour, hoặc có thể giảm mức phí làm visa với trường hợp khách đi 20 - 30 ngày (trong khi được miễn 15 ngày) hoặc là khách quay trở lại Việt Nam trong tour liên quốc gia như đề cập ở trên.

Trong lúc chờ sự điều chỉnh tiếp, hiện tại các doanh nghiệp đã chọn cách cắt ngắn tour. Ông Dương Xuân Tráng, đại diện doanh nghiệp du lịch Mai Phượng Vy tại Hà Nội, cho biết: Doanh nghiệp đang lên phương án điều chỉnh chương trình tour xuống dưới 15 ngày để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách muốn được hưởng ưu đãi miễn visa. “Ví dụ như trong tour nghỉ đêm Hạ Long, sẽ cắt giảm từ 2 đêm xuống 1 đêm, hoặc giảm một số điểm du lịch để phù hợp với khung thời gian miễn thị thực. Chắc chắn các chương trình có khung thời gian 16 - 20 ngày đều sẽ được các hãng lữ hành quốc tế điều chỉnh, bởi ai cũng muốn khách được hưởng lợi, cũng như giảm được chi phí cho khách”, một đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ, cùng với việc cắt giảm thời gian lưu trú của khách, thì doanh thu từ du lịch cũng sẽ giảm và điều này sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ tới ngành du lịch Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta chỉ còn giữ được mức doanh thu tăng, còn lượng khách du lịch quốc tế đã giảm 13 tháng liên tục.

Đơn giản hóa thủ tục

Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đối với các thị trường được Việt Nam đơn phương miễn visa thì điều 31 quy định rõ thời hạn miễn không quá 15 ngày. Do đó, Nghị quyết về miễn thị thực đơn phương của Chính phủ cho 5 thị trường Tây Âu cũng tuân theo quy định này, dù chúng tôi rất muốn thời gian này dài hơn”.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cho biết, dù quy định chỉ miễn thị thực 15 ngày, nhưng từ thực tế có nhiều nhóm khách đến từ thị trường Tây Âu muốn đi dài ngày; Vụ Lữ hành sẽ họp với doanh nghiệp lữ hành đón khách quốc tế để tìm giải pháp cho thủ tục gia hạn, mức phí... trên quan điểm tạo thuận lợi nhất cho du khách. “Đơn cử như với trường hợp khách du lịch nhập cảnh trở lại Việt Nam từ nước thứ ba cũng sẽ được tạo thuận lợi nhập cảnh ngay tại cửa khẩu và mức phí đề xuất giảm từ 45 USD xuống 10 USD”, ông Phương chia sẻ.

Cũng theo ông Phương, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mức phí làm visa với các loại hình du lịch đang được giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu, để điều chỉnh giảm xuống, nhằm tạo động lực thu hút du khách quốc tế như phí visa tàu biển giảm xuống còn 5 USD; phí visa du lịch giảm từ 45 USD xuống 25 USD...”. Việc giảm phí làm visa này đang được lấy kiến các bộ ngành liên quan để có thể triển khai trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quý Phương cho biết.

Xuân Minh
Miễn thị thực cho du khách Tây Âu: Băn khoăn những bất cập
Miễn thị thực cho du khách Tây Âu: Băn khoăn những bất cập

Việc triển khai chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân năm nước Tây Âu chỉ trong vòng 1 năm đang gây những băn khoăn cho ngành du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN