Do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết nên vùng Bắc Trung Bộ vẫn được coi là “vùng trũng” của du lịch và việc liên kết với tuyến điểm phía Bắc được coi là giải pháp nối tuyến, tạo điểm nhấn thu hút khách.
Vẫn còn đơn lẻ
Hoạt động du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó điển hình là Thanh Hóa - Nghệ An, vẫn mang tính đơn lẻ, rời rạc do cách làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp. “Cứ mỗi lần có đoàn khách đặt tour đi Sầm Sơn - Thanh Hóa, là chúng tôi nơm nớp sợ bị “quỵt” phòng dù có đặt cọc trước. Họ sẵn sàng phá hợp đồng để “bán” lại phòng cho đoàn khách trả cao hơn hoặc giới thiệu sang các khách sạn khác. Các điểm du lịch biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh thiếu chuyên nghiệp, chưa giữ chữ tín”, anh Lại Văn Quân, Công ty lữ hành Tam Sắc chia sẻ.
Cổng phía nam Thành nhà Hồ. |
“Đã vậy đến các điểm du lịch thì gần như dịch vụ không có. Như Thành nhà Hồ, di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), nếu có đưa khách đi tham quan thì chỉ khoảng một tiếng là hết. Đặt dịch vụ ăn nghỉ thì gần như không bảo đảm với đoàn đông. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ tổ chức khi khách yêu cầu và cũng thông báo trước lộ trình đi rất vất vả. Thực tế, khách đến các điểm du lịch Thanh Hóa vẫn chỉ là khách nội địa, mang tính chất tham quan, tín ngưỡng là chính”, đại diện doanh nghiệp Hanoitourist cho biết.
Chính điện Lam Kinh đang được phục dựng. |
Ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết: “Ngay bản thân các di tích lịch sử của xứ Thanh cũng chưa có sự liên kết từ việc quảng bá, thông tin hỗ trợ, nên khó thu hút khách ngay cả trong nội tỉnh”. Điều này cũng được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận trên cơ sở hoàn thiện quy hoạch du lịch của tỉnh. “Là tỉnh có nhiều di tích, nhưng chúng tôi chọn 4 điểm đầu tư phát triển trọng tâm du lịch là Suối Cá thần Cẩm Lương - Lam Kinh - Thành nhà Hồ - Sầm Sơn. Trước mắt là chấn chỉnh cách làm dịch vụ ở biển Sầm Sơn phục vụ cho Năm du lịch Quốc gia 2015”, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nhận xét.
Liên kết vùng
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Đối với Thanh Hóa, luồng khách khai thác chủ yếu trong thời gian tới sẽ là khách nội địa, tập trung từ thị trường phía Bắc với việc thu hút khách nối tuyến từ Ninh Bình. Trong thời gian vừa qua, Ninh Bình khá thành công trong việc thu hút du khách nhờ đầu tư hạ tầng và liên kết chuỗi sản phẩm Bái Đính - Tràng An - Đền vua Đinh, vua Lê. Hiện nay, luồng khách sau khi đến Ninh Bình sẽ hướng đi Hạ Long. Do vậy, luồng khách này có thể khai thác nếu có sự kết nối giữa Ninh Bình và Thanh Hóa.
Những hiện vật tìm được sau đợt khảo cổ gần đây. |
Thanh Hóa lại được mệnh danh là miền đất cổ, mảnh đất lịch sử, cái nôi của người nguyên thủy với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Điển hình như di sản núi Đọ (huyện Đông Sơn), nơi phát hiện công cụ đá cổ của người xưa gắn với những huyền thoại dân gian phong phú về “bàn chân tiên”, “cồn chân tiên”; Di chỉ hang Cong Moong (huyện Thạch Thành), nơi dấu vết của người tiền sử vẫn còn nguyên vẹn; Thành nhà Hồ với lối kiến trúc bằng đá khối độc đáo; Khu di tích lịch sử quốc gia Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) là nơi yên nghỉ của các vua đời hậu Lê với nhiều cây di sản có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi... “Nhiều di tích nhưng Thanh Hóa chỉ nên chọn một số điểm có tiềm lực để tập trung đầu tư cho phát triển du lịch để làm đầu tàu. Trong đó là việc liên kết di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) - Thành nhà Hồ (Thanh Hóa). Muốn vậy phải có hạ tầng giao thông tốt”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Danh thắng Tràng An (Ninh Bình). |
Trước những yêu cầu tiền đề này của những người làm du lịch, ông Vương Văn Việt cho biết: “Tuyến quốc lộ 45 nối giữa Thành nhà Hồ và khu du lịch Tràng An đã được Bộ Giao thông Vận tải cam kết triển khai. Cùng với đó là kết nối quảng bá thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ. Để làm được điều này cần có sự góp sức của doanh nghiệp”.
Hiện nay, thành công nhất trong việc liên kết du lịch là tuyến di sản miền Trung gồm Huế - Đà Nẵng - Hội An do tạo ra những sản phẩm riêng có ở từng điểm đến. Với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới” cho Năm du lịch Quốc gia 2015, Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn tuyến điểm tham quan Việt Nam nói chung. Tuyến điểm “Kết nối các di sản thế giới” sẽ kết nối từ Đền Hùng (Phú Thọ), Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Huế, Hội An (Quảng Nam) mang lại cho du khách những khám phá văn hóa Việt Nam trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước.
Bài và ảnh: Xuân Cường