Lên đỉnh Mã Pí Lèng

Nhắc đến Mã Pí Lèng là nói đến một địa danh của tỉnh miền biên viễn Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc. Mã Pí Lèng là địa danh gắn liền với những kỳ tích của hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của các tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965) với hàng triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi để làm trong 11 tháng.

Hùng vĩ Mã Pí Lèng.


Được đặt chân trên đỉnh Mã Pí Lèng, trải rộng tầm mắt ngắm cảnh thiên nhiên hoang dã và nghe tiếng khèn Mông, du khách mới cảm nhận hết cái phóng khoáng của núi rừng, những phong cảnh tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho Mèo Vạc. Danh thắng Mã Pí Lèng nằm trên địa bàn 3 xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, đồng thời nằm trên đỉnh núi cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, với diện tích được khoanh vùng bảo vệ là 796 ha.


Mã Pí Lèng có nghĩa là “Sống mũi ngựa”, là núi đá cao ngất ở độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển. Đèo Mã Pí Lèng nằm trên tuyến đường Đồng Văn – Mèo Vạc có tổng chiều dài khoảng 20 km. Nơi đây được xem như là nóc nhà của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đỉnh đèo cách thị trấn Đồng Văn khoảng 10 km về phía tây thuộc địa phận xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Từ chân đèo đến đỉnh đèo, các nhà khoa học của Viện Địa chất khoáng sản đã tìm thấy lớp đất có giá trị về thạch cổ học, sinh cổ học, kiến tạo, địa mạo… các dấu ấn do chuyển động kiến tạo được phản ánh đầy đủ các pha hoạt động, kiến tạo khác nhau từ giai đoạn cổ thạch có niên đại cách đây khoảng 200 triệu năm.

Dòng sông Nho Quế hiền hòa dưới chân đèo Mã Pí Lèng.


Dưới chân núi là toàn cảnh dòng sông Nho Quế chảy hiền hòa, êm đềm uốn quanh những dãy núi cao trập trùng, hùng vĩ và quyến rũ lòng người. Dòng Nho Quế như dải lụa mềm uốn quanh thật trữ tình, thơ mộng. Phải một lần đặt chân lên đỉnh Mã Pí Lèng chúng ta mới cảm nhận được hết cái hùng vĩ của núi, sông nơi đây. Song quả thực khi đã có mặt ở đây, đứng trên đỉnh núi đá tai mèo này, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh tôi mới thấy mình thật quá bé nhỏ, mới thấy được sự kỳ vĩ của núi sông cũng như sự vượt khó của đồng bào dân tộc thiểu số nơi này.


Dòng sông Nho Quế bắt nguồn ở độ cao 1.800 mét thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng tây bắc – đông nam rồi nhập với sông Gâm tại ngã ba Là Mát, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Tận dụng thủy năng của dòng Nho Quế, hiện nay trên dòng sông này đã qui hoạch 3 nhà máy thủy điện gồm Nho Quế 1, Nho Quế 2, Nho Quế 3 với công suất lắp máy lần lượt là 32MWh, 48MWh và 110MWh.


Hơn 2 vạn người bao gồm thanh niên xung phong và người dân thuộc 16 dân tộc ở các tỉnh phía Bắc được huy động làm đường. Phải mất gần 6 năm con đường mới hoàn thành và được đặt tên là Hạnh Phúc.

Khi lên Mã Pí Lèng, du khách như được hòa mình vào với “rừng đá” Hà Giang, rời xa với cái nắng hè oi ả, thả mình với thiên nhiên hoang sơ nơi này. Đến đây du khách thấy mình như trẻ lại, niềm vui như lan tỏa, nhẹ nhàng thả hồn theo mây núi của Mã Pí Lèng, lòng người như bừng sắc của thiên nhiên với gió núi vi vu như ru lòng người. Thi thoảng lại có tiếng võ ngựa lốc cốc của người dân địa phương đi qua hòa quyện vào nhau như một bản nhạc rừng nơi thiên nhiên hùng vĩ này.


Danh thắng Mã Pí Lèng bao gồm đèo Mã Pí Lèng được coi là di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những kiến tạo độc nhất vô nhị ở nước ta. Bên cạnh những giá trị về cảnh quan, địa chất, địa mạo, đường Mã Pí Lèng còn là nơi ghi dấu ấn cuộc trường chinh phá đá mở đường hạnh phúc và còn được ghi trong tấm bia đá ở nơi đây. Bằng sức người và những dụng cụ thô sơ như búa, xà beng… không có sự trợ giúp của máy móc, trong suốt 6 năm ròng trên công trường Mã Pí Lèng lúc nào cũng có trên 1.000 thanh niên của 8 tỉnh phía Bắc lao động trong suốt mấy năm mới hoàn thành được đoạn đèo.


Tháng 11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đối với Mã Pí Lèng. Đây là cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, danh lam thắng cảnh này. Bên cạnh sự kỳ vĩ của thiên nhiên, nơi đây còn được xem như một bằng chứng về sức mạnh của con người trong việc chinh phục, khai phá tự nhiên để gieo vào lòng đá những vạt ngô xanh ngút ngàn, những mái nhà ẩn hiện trong mây.

Bài và ảnh:Thái Bình 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN