Hội nghị có sự tham dự của các nhà quản lý chuyên ngành Du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Bình Thuận và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn của Ấn Độ.
Tại đây, các đại biểu tập trung giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh Bình Thuận và Ấn Độ; giao lưu quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch mới; mối quan hệ hợp tác giao thương giữa các bên…
Giới thiệu khái quát về tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển du lịch của Bình Thuận, bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, nhất là bờ biển dài 192 km cùng nhiều bãi biển đẹp, nhiều Khu Bảo tồn thiên nhiên, di tích, cảnh quan nổi tiếng cùng với các lễ hội văn hóa đặc trưng, Bình Thuận đã vươn mình trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, nhận được sự tin tưởng của du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước.
Bình Thuận hiện có khoảng 600 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số gần 19.000 phòng, 557 căn hộ và 462 biệt thự. Hiện nay, cùng với các sản phẩm du lịch cao cấp như golf, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao địa hình…, Bình Thuận đang phát triển đa dạng các dòng sản phẩm du lịch như: du lịch "xanh", gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, mạo hiểm, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE…
Về hệ thống hạ tầng kết nối du lịch, Bình Thuận có đường cao tốc nối liền TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa Lâm Đồng… Bên cạnh đó, toàn bộ các tuyến đường ven biển kết nối với các điểm đến du lịch trọng điểm của tỉnh đều được tập trung đầu tư mới hoặc nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Năm 2023, Bình Thuận đón khoảng 8,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm, khách quốc tế tăng bình quân 2 lần/năm, trong đó có thị trường khách Ấn Độ.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Ấn Độ đang là thị trường lớn mà ngành Du lịch Bình Thuận hướng tới. Tỉnh mong được các doanh nghiệp, công ty lữ hành Ấn Độ quan tâm hợp tác nhiều hơn, chặt chẽ hơn góp phần phát triển du lịch Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong thời gian tới, dự kiến, Bình Thuận sẽ có sân bay với năng lực đón khoảng 2 triệu lượt khách/năm. Như vậy, khách quốc tế có thể đến trực tiếp thông qua các chuyến bay đến sân bay Phan Thiết.
Ông Pankaj Kumar, Đại diện Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Bình Thuận có nền văn hóa đặc sắc, đầy sức sống. Bình Thuận và Ấn Độ có những sự tương đồng về văn hóa. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có thế mạnh về biển, đảo, rừng hồ thác để có thể tổ chức đa dạng nhiều hoạt động ngoài trời. Du khách Ấn độ rất quan tâm đến các hoạt động ngoài trời và khám phá văn hóa bản địa.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp để kết nối, thúc đẩy thị trường Ấn Độ như: cần có xây dựng các hoạt động lồng ghép giữa văn hóa Ấn Độ và Việt Nam để vừa tạo cảm giác thân thuộc nhưng vẫn có nét mới để du khách tìm hiểu về đặc sản địa phương; cần phát triển thêm các loại hình du lịch dành cho đối tượng gia đình, trăng mật; quan tâm phát triển ẩm thực Ấn Độ tại địa phương…