Thác Khone Phapheng ở huyện Khong, tỉnh Champasak, Lào. Ảnh: LAtimes/TTXVN |
Từng là một bức "tường thành" tự nhiên ngăn cản ý đồ của thực dân Pháp dùng sông Mekong để thâu tóm Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, nhờ những ghềnh thác khổng lồ liên tục gấp khúc kéo dài hàng chục km khiến tàu chiến không thể vượt qua, thác Khone Phapheng còn được nhiều du khách gọi là "thác Khói" vì vào mùa mưa, dòng thác ầm ầm chảy qua những ghềnh khổng lồ, tạo nên một làn khói trắng mờ ảo chẳng khác nào sương mù trên bầu trời, để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai được một lần tới thăm thác.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, với chiều cao 21m, bao gồm nhiều thác ghềnh nhỏ kéo dài 12km dọc theo chiều dài sông, Khon Phapheng là dòng thác hùng vĩ với nhiều luồng lạch và 4.000 hòn đảo nhỏ bao quanh. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài cá quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, như cá heo nước ngọt, cá đại tra dầu.
Từ năm 2012, nhận thức được "điểm yếu" của thác Khone Phapheng là nằm ở khu vực khá khuất nẻo nên ít người biết tới, chính quyền tỉnh Champasak đã cho các nhà đầu tư đấu thầu quy hoạch tổng thể và xây dựng khu nghỉ dưỡng, quầy lưu niệm, quán ăn, khu nghỉ ngơi, cắm trại và ngắm cảnh chụp hình lưu niệm, đồng thời tăng cường quảng bá mạnh mẽ, nhờ đó, số lượng du khách nước ngoài đến thăm thác đã liên tục tăng.
Anh Somphonxay Phosalath, chủ đầu tư khu du lịch Khone Phapheng, cho biết: "Sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng, lượng du khách đến đây đã tăng, đặc biệt là du khách đến từ châu Âu đã tăng 10%, du khách đến từ các nước láng giềng cũng có, như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và khu du lịch này ngày càng nổi tiếng. Hiện cũng đã có cả du khách từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc…”.
Theo số liệu của chủ đầu tư dự án, năm 2017 đã có trên 150.000 du khách đến thăm thác Khone Phapheng và con số này dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay vì Chính phủ Lào chọn năm 2018 là năm Du lịch với rất nhiều hoạt động được tổ chức trên khắp cả nước nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đối với nhiều du khách ASEAN, con thác đẹp và ấn tượng đến nỗi nó không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân bản địa, mà đã trở thành niềm tự hào chung của người dân các nước ASEAN, phù hợp với chiến lược xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành “một điểm du lịch chung hấp dẫn” mà các lãnh đạo của khối đã đề ra và đang rốt ráo triển khai.