Đây chính là thành quả từ những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương để định hình lại ngành Du lịch, cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp khi triển khai các giải pháp thu hút du khách đến tỉnh.
Hà Nam là địa phương có nhiều danh thắng nổi tiếng như: Hồ Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, Phi Lai Địa Tạng... và hệ thống đền, chùa, lễ hội truyền thống, làng nghề; nhiều di tích văn hóa lịch sử khác. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh. Với sự nỗ lực chung của các cấp, ngành và nhân dân, hoạt động du lịch trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng, chiều sâu. Một số tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh với những sản phẩm hấp dẫn đã được các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác để phục vụ du khách.
Theo số liệu cập nhật của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến địa phương ước đạt trên 3,8 triệu lượt (bằng gần 90% kế hoạch năm 2023). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 2.700 tỷ đồng, đạt gần 208% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, tháng 5/2023, Hà Nam đã tổ chức thành công Chương trình Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản và Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Sự kiện đã thu hút lượng khách tăng đột biến. Đây cũng là điều kiện thuận lợi tạo đà cho ngành Du lịch tỉnh phát triển, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Thời gian tới, để tiếp tục thu hút du khách, tỉnh sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện nổi bật của địa phương, đăng cai tổ chức các hội thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ, các hội nghị xúc tiến du lịch, các giải thể thao trong nước và quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam Mai Thành Chung cho biết, ngành sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các quy hoạch. Trong đó, sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng của Khu Du lịch Tam Chúc, làm cơ sở thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào các khu chức năng, làm tiền đề thu hút các dịch vụ du lịch chất lượng cao, thúc đẩy hình thành các tuyến du lịch theo chuỗi. Ngành sẽ xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; tập trung thu hút đầu tư để sớm hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái mang tầm quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ…
Bên cạnh đó, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng công trình giao thông kết nối khu du lịch với quốc lộ 1A và Bái Đính - Tràng An, Ninh Bình; mở rộng các hoạt động tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng các danh mục kêu gọi dự án đầu tư; đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ sẵn có, Khu Du lịch Tam Chúc cũng định hướng tạo ra các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Ban Quản lý Khu Du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng) cho biết, để du khách trong và ngoài nước đến và quay trở lại điểm du lịch, Khu Du lịch Tam Chúc đã xây dựng những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh phát triển hệ thống nghỉ dưỡng và các dịch vụ mới, trong tương lai, Khu Du lịch sẽ xây dựng kết nối với các tour, tuyến của những địa phương lân cận để tạo thành tuyến du lịch hành hương Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình.
Sau hai lần đến tham quan và trải nghiệm tại Hà Nam, anh Nguyễn Ngọc Phương (du khách tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, anh nhận thấy, tỉnh Hà Nam có nhiều tài nguyên để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa. Anh và mọi người đã khám phá được nhiều giá trị mới của địa phương.