Du lịch xanh và sản phẩm OCOP - Hành trình chinh phục thị trường

Chiều 11/6, tại thành phố Đồng Hới, Tạp chí điện tử Nhà Quản lý phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Du lịch, Công Thương, Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức chương trình Hội nghị và đối thoại “Du lịch xanh và sản phẩm OCOP Quảng Bình: Hành trình chinh phục thị trường”.

Đây là chương trình ý nghĩa và thiết thực nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại chương trình. 

Quảng Bình phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”. Tỉnh cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới với mục tiêu kép là mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời bảo đảm tôn trọng các tiêu chí về bền vững, thích nghi và phù hợp xu thế đổi mới điểm đến du lịch. Việc xây dựng môi trường sinh thái dưới tán rừng, sinh vật cảnh trên mặt đất, hệ thống hang động trong lòng núi... cũng được gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo để khai thác ngày càng hiệu quả. Đây cũng là định hướng du lịch xanh, phát triển bền vững tỉnh hướng đến.

Các sản phẩm OCOP Quảng Bình đang trên hành trình chinh phục du khách và tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ. Quảng Bình tích cực khơi dậy sự sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh tham gia OCOP; có chính sách hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP, qua đó phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương.

Phát biểu tại chương trình, ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, những năm qua, du lịch Quảng Bình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới, trong đó có các sản phẩm hàng lưu niệm mà OCOP là sản phẩm chủ lực. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho lao động địa phương và góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân đề nghị, các cơ quan, ban, ngành liên quan trên địa bàn tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững của tỉnh nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP Quảng Bình. Đồng thời, tiếp tục tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch, văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với công ty lữ hành để chào bán sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế...

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Đăng Bình, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Nhà Quản lý, Trưởng Ban tổ chức chương trình phát biểu tại Hội nghị và Đối thoại.

Nhà báo Nguyễn Đăng Bình, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Nhà Quản lý cho biết, thông qua chương trình, với sự đóng góp ý kiến từ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp du lịch, tổ chức lữ hành, nhà quản lý góp phần vào mục tiêu, chiến lược phát triển chung của toàn ngành du lịch, nông nghiệp và công thương của tỉnh Quảng Bình. Ban tổ chức mong muốn tất cả sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình và các sản phẩm OCOP đạt chuẩn của tỉnh sẽ đến tay du khách, người tiêu dùng nhiều hơn. Các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP sẽ định vị được thị trường, tìm hướng đi đúng với nhu cầu của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng trên khắp cả nước.

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tham gia các phiên đối thoại.

Tại chương trình, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tham gia phiên đối thoại chủ đề chính gồm: “Du lịch xanh - Phát triển bền vững”, “Hành trình Mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP”, “Hành trình chinh phục thị trường các sản phẩm OCOP Quảng Bình” và “Kết nối du lịch và sản phẩm OCOP”.

Dịp này, Ban tổ chức trao tặng 10 suất quà (gồm tiền mặt và hiện vật) cho các gia đình chính sách trên địa bàn và 100 hộp sữa cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Bình, tổng giá trị khoảng 50 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tham quan các gian hàng sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của ngành du lịch Quảng Bình và các sản phẩm OCOP đạt chuẩn của tỉnh.

Quảng Bình hiện có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn với 107 chủ thể kinh tế; tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ.

Trong khuôn khổ chương trình, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của ngành du lịch Quảng Bình và sản phẩm OCOP đạt chuẩn của tỉnh.

Tin, ảnh: Võ Dung (TTXVN)
Tây Ninh: Nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương
Tây Ninh: Nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh Tây Ninh triển khai từ năm 2018, đến nay toàn tỉnh đã có 49 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP, với 92 sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN