Thị trường tiềm năng nhưng thông tin hạn chế
Theo Tổng cục Du lịch, Trung Đông là thị trường lớn gồm 17 quốc gia và một vùng lãnh thổ với dân số trên 400 triệu người. Không chỉ nổi tiếng về dầu khí, nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ với nhiều quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới, Trung Đông còn là thị trường gửi khách có tiềm năng lớn. Kinh tế phát triển mạnh, tầng lớp giàu có nhiều, nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới, dự kiến đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu là: Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Bốn quốc gia này đã đóng góp 68% tổng lượng khách của khu vực.
"Nguồn khách từ Trung Đông có nhiều tiềm năng để phát triển và chúng ta cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế từ lâu, tuy nhiên lượng khách du lịch Trung Đông đến Việt Nam chưa nhiều. Theo thống kê, lượng khách từ thị trường này đến Việt Nam chỉ mới đạt khoảng vài chục nghìn lượt và Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch này", ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Đồng quan điểm với ông Hà Văn Siêu, Đại sứ Trần Đức Hùng cho biết, với trên 400 triệu dân ở khu vực Trung Đông, trong đó Hội đồng các nước vùng vịnh (GCC) có 6 nước gồm Ả rập Xê Út, UAE, Oman, Qatar, Kuwait và Bahrain có dân số 54 triệu người và tổng thu nhập hơn 3.464 tỉ USD.
Vì thu nhập cao nên họ có nhu cầu đi nghỉ dưỡng phân khúc cao cấp, hạng sang với đầy đủ tiện nghi gồm spa, safari, cho trẻ con để đi cùng gia đình... Thời gian trẻ em nghỉ học ở Trung Đông vào khoảng tháng 7 - 8, khi thời tiết cực nắng nóng (có khi lên tới 45 độ C) nên họ ưa thích đến những khu nghỉ dưỡng trong rừng xanh hoặc tới những bãi biển đẹp như Việt Nam. Thời gian mỗi chuyến đi có thể kéo dài từ 30 ngày đến 2 tháng. Mặt khác, gần đây, khách du lịch Trung Đông đang cấp bách tìm kiếm những điểm du lịch mới do những điểm truyền thống đã bão hòa. Với những đặc điểm như vậy, nguồn khách từ vùng Trung Đông nói chung là thị trường tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Hùng, dù Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông nhất thế giới, nhưng khách du lịch đến từ các nước Trung Đông chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nguyên nhân là các thông tin về du lịch Việt Nam tới các nước khu vực này còn rất hạn chế. "Bởi chúng ta chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch ra thị trường này một cách bài bản, thường xuyên để du khách Trung Đông có ấn tượng về du lịch Việt Nam", ông Trần Đức Hùng cho biết.
"Vừa qua, khi chúng tôi đi xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, họ tỏ ra ngạc nhiên: 'Wow, Việt Nam nằm ở chỗ nào? Có những cái gì?'. Điều này cho thấy thông tin quảng bá của mình làm chưa tốt. Trong khi đó, so với các thị trường du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan... họ đang xúc tiến quảng bá về du lịch của đất nước họ khá mạnh nên cũng thu hút mạnh lượng du khách đến từ các nước đạo Hồi này. Đây chủ yếu là khách hạng sang và có khả năng chi tiêu ở mức cao", ông Trần Đức Hùng cho biết thêm.
Thay đổi để hút khách "nhà giàu"
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển nguồn khách từ thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, du khách từ mỗi quốc gia có những thói quen du lịch khác nhau với những yêu cầu theo tiêu chuẩn mới, vì vậy Việt Nam cần mở rộng nhiều loại hình dịch vụ cho những khách du lịch đặc biệt giàu có đến từ Trung Đông.
Theo ông Trần Đức Hùng, những loại hình du lịch ở Việt Nam phù hợp với nhu cầu của du khách Trung Đông là nghỉ dưỡng, tham quan các di sản thế giới, du lịch biển, tìm cơ hội kinh doanh, du lịch văn hóa, tìm hiểu khám phá, trải nghiệm làm thủ công truyền thống... Ngoài ra, Việt Nam có một số điều kiện thuận lợi để thu hút khách từ thị trường Trung Đông như: an ninh, an toàn được đảm bảo; tài nguyên du lịch phong phú, phù hợp với sở thích và nhu cầu của khách…
Vì vậy, để thu hút du khách từ thị trường Trung Đông, trước tiên các cơ quan nhà nước Việt Nam cần tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam như: phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, influencer quảng bá du lịch Việt Nam; cung cấp thông tin về các sự kiện du lịch quốc tế tại Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài... để mời các cơ quan và doanh nghiệp lữ hành tại các nước tham dự.
"Đối với các đơn vị du lịch cũng cần tích cực, chủ động tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại các nước Trung Đông để tăng cường sự hiện diện và quảng bá du lịch Việt Nam nhiều hơn; đồng thời có thể tiếp cận với doanh nghiệp lữ hành sở tại. Các doanh nghiệp lữ hành có thể thiết kế những chương trình du lịch riêng cho đối tượng khách Ả rập, đảm bảo yếu tố tôn giáo như: yêu cầu về thực phẩm Halal, phòng cầu nguyện, sự riêng tư...; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch biết tiếng Ả rập để phục vụ khách từ các nước theo đạo Hồi đến Việt Nam trong thời gian tới", ông Hùng nói.
Nhận định thị trường Trung Đông là thị trường đầy tiềm năng, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới, trong 9 quốc gia trọng điểm trong đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025” thì Trung Đông được xem là một trong những thị trường mang tính chiến lược trong hợp tác và phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
"TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh những thông tin xúc tiến quảng bá, giới thiệu đến du khách Trung Đông, qua đó các doanh nghiệp du lịch có thể tìm cơ hội kinh doanh, du lịch văn hóa, tìm hiểu khám phá, trải nghiệm làm thủ công truyền thống, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam nói chung và ngược lại", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết.
Cũng theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, cơ hội luôn song hành với thách thức, vì vậy nhận thức được rằng để khai thác tốt thị trường tiềm năng ở các quốc gia Trung Đông, TP Hồ Chí Minh cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo, sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cũng như có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban ngành với doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không… để đưa khách Trung Đông đến với TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp lữ hành cũng cần thiết kế các chương trình tour đặc biệt, phù hợp với nhóm khách Trung Đông "nhà giàu", chấp nhận chi trả cao cho các loại hình dịch vụ cao cấp, riêng tư, không bị gò bó theo chương trình tour... để có thể chào bán cho du khách Trung Đông.
Ngày 9/9, UBND TP Hồ Chí Minh cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo "Thúc đẩy thị trường khách du lịch Trung Đông và Ấn Độ" để tìm giải pháp thu hút du khách từ các nước này đến Việt Nam và ngược lại. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2022.