Thực tế cho đã cho thấy, ngay sau khi mở cửa, hoạt động du lịch trên khắp đất nước đã thực sự sôi động trở lại. Nhiều địa phương đã đón được những đoàn khách quốc tế, nội địa rất đông đảo. Nhiều nơi tích cực tiến hành xúc tiến, quảng bá để thu hút khách. Có thể nói, ngành du lịch và các địa phương đang dốc toàn lực để nhanh chóng phục hồi, hướng tới mục tiêu trong năm 2022 có thể đón 5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 60 triệu lượt khách nội địa.
Du lịch khởi sắc trở lại
Chỉ ít ngày sau khi nước ta chính thức mở cửa du lịch, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”. Trong suốt năm 2022, Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam sẽ diễn ra gần 300 sự kiện liên quan đến văn hóa, du lịch. Riêng tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức chuỗi 64 sự kiện, hoạt động đặc sắc, hấp dẫn theo 6 chuỗi chương trình với các chủ đề chính gồm: “Du xuân đất Quảng”; “Du lịch sông nước và làng quê, làng nghề”; “Chu Lai điểm hẹn”; “Văn hóa các dân tộc và đường Hồ Chí Minh huyền thoại”; “Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè”; “Sắc màu di sản”. Địa phương này mong muốn mỗi sự kiện không chỉ tạo tiếng vang mà còn dẫn dắt du khách hứng thú khám phá chuỗi sự kiện khác. Trong đó, chuỗi hoạt động trọng tâm sẽ diễn ra từ tháng 5-9/2022.
Thành phố Hội An là nơi diễn ra nhiều hoạt động trong Năm Du lịch Quốc gia 2022. Địa phương và các doanh nghiệp du lịch cho rằng, đây là cơ hội thuận lợi để giới thiệu sản phẩm, góp sức phục hồi ngành du lịch sau hai năm bị đóng băng do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Hiện các bên liên quan đến du lịch Hội An đang tìm giải pháp nâng tầm một số sản phẩm đã quen thuộc của Hội An…
Vào ngày 8/4, Thành phố Hồ Chí Minh – một trong những trọng điểm du lịch của nước ta đã đón được đoàn khách du lịch quốc tế lớn từ thị trường Mỹ gồm 130 thành viên, phần lớn là doanh nhân, thương gia. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Sự kiện là tín hiệu cho thấy thị trường du lịch quốc tế đã bắt đầu có những chuyển động khởi sắc trở lại. Qua đó cũng cho thấy Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến được khách du lịch quốc tế quan tâm. Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng kỳ vọng vào sự hồi phục nhanh sau khi mở cửa trở lại…
Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa là điểm đến du lịch biển hàng đầu của Việt Nam, được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn. Du lịch Khánh Hòa được đánh giá là đã chủ động vượt khó ngay cả trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Năm 2021, Khánh Hòa đã đón được hơn 600.000 lượt khách lưu trú. Hiện Khánh Hòa lựa chọn du lịch sức khỏe là hướng đi đón đầu cho mùa du lịch năm 2022.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết: Tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa là điểm đến “An toàn, văn minh, thân thiện”. Tỉnh cũng đang kết nối để khôi phục lại các thị trường khách quốc tế truyền thống, trong đó có thị trường Nga.
Những địa phương ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên lại chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch khám phá nét đẹp văn hóa bản địa phong phú, độc đáo, phát triển các homestay để du khách có thể trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa.
Còn Huế đang tích cực chuẩn bị Festival Huế 2022 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 25-30/6. Mới đây, Ban tổ chức Festival Huế 2022 đã công bố poster chính thức của Festival Huế 2022 với hình ảnh chủ đạo là 4 loại hoa (mai, sen, cúc, tùng) tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Hình ảnh này cũng thể hiện tinh thần của du lịch Huế là lễ hội sẽ diễn ra quanh năm, luôn chào đón du khách khám phá những nét văn hóa đặc của vùng đất kinh kỳ.
Quảng Ninh - trung tâm du lịch lớn của cả nước đã xây dựng một chuỗi các sự kiện, hoạt động để kích cầu du lịch. Điểm nhấn của hoạt động chào đón mùa du lịch hè năm 2022 này là Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh sẽ diễn ra vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Một trong những hoạt động nổi bật, tạo thành thương hiệu riêng có của du lịch Hạ Long - Quảng Ninh từ nhiều năm qua là lễ hội Carnaval Hạ Long 2022 với chủ đề "Hạ Long - Kỳ quan bừng sáng cùng SEA Games 31". Đây sẽ là hoạt động thiết thực nhằm kích cầu du lịch, nhất là khi Quảng Ninh đăng cai 7 môn thi đấu tại SEA Games 31…
Nhân lực cho ngành du lịch cần được bổ sung kịp thời
Nguồn nhân lực trong bối cảnh bình thường mới đang là vấn đề được ngành du lịch quan tâm. Bởi lẽ, qua hai năm đại dịch COVID-19, hiện phần lớn nguồn nhân lực đã chuyển đổi sang nghề khác, nay du lịch mở cửa trở lại, có những lao động tự nguyện quay lại, nhưng nhiều lao động đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn nên nên không muốn quay lại. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là cấp bách, cần được các cơ quan chức năng, các địa phương, doanh nghiệp du lịch có những tính toán hợp lý để bổ sung kịp thời.
Tại hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng: Để bổ sung nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tới phải tính đến việc mời lại những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay trở lại với nghề; đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, "cầm tay chỉ việc", cùng với đào tạo nhân lực chất lượng cao, phù hợp với các ngành nghề, địa phương. Các địa phương, cơ quan quản lý, khu điểm du lịch cần đánh giá lại thực trạng du lịch, đồng thời phối hợp với các trường đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp trong đó có các dữ liệu về lao động đã làm việc tại doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể đối với các vị trí việc làm hiện tại, tương lai và các thông tin liên quan khác. Bên cạnh đó, cần liên kết các thông tin của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý liên quan và với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, cơ quan quản lý các địa phương, nhất là với người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp, có cơ hội tìm việc làm mới hoặc quay trở lại làm việc.
Có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở. Trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận. Cùng với đó cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc.
Do ảnh hưởng COVID-19, du lịch Việt Nam bị khủng hoảng nghiêm trọng. Năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019. Khách nội địa giảm 50%. Ngành du lịch thất thu khoảng 23 tỉ USD trong năm 2020. Kéo theo đó là khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng lưu trú ở chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa...
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, toàn ngành tập trung đầu tư “làm mới” trên các yếu tố về sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá xúc tiến, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và nhiều chính sách khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19… Về dài hạn, ngành du lịch sẽ tiếp tục đề xuất ban hành các chính sách thiết thực nhất, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số để du lịch có thể phục hồi và phát triển bền vững, chuyên nghiệp hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.