Du lịch văn hóa - Bài 1: Khai thác tối đa giá trị văn hóa để thu hút khách

Tìm hiểu văn hóa bản địa đặc sắc luôn được du khách lựa chọn khi khám phá những vùng đất mới. Văn hóa là tài nguyên phong phú để xây dựng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách. Du lịch văn hóa là loại hình không thể thiếu trong quá trình phát triển du lịch của các quốc gia. Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Việt Nam cũng xác định du lịch văn hóa mà một dòng sản phẩm ưu tiên.

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm 2023 có chủ đề “Du lịch văn hóa” nhằm hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác giá trị độc đáo của di sản và văn hóa truyền thống.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết “Du lịch văn hóa” nhằm khẳng định sự cần thiết phát triển du lịch văn hóa để du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.

Bài 1: Khai thác tối đa giá trị văn hóa để thu hút khách

Du lịch văn hóa luôn là xu hướng đi đầu của du lịch toàn cầu. Du khách luôn quan tâm và có nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, lối sống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của một đất nước. Các nước đều khai thác tối đa các đặc trưng văn hóa để thu hút du khách quốc tế.

Bài học quý cho Việt Nam

Chú thích ảnh
Người dân náo nức tham gia lễ té nước mừng Tết cổ truyền Songkran ở Bangkok, Thái Lan ngày 13/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Từ lâu, Thái Lan - đất nước chùa Vàng đã được mệnh danh là “thiên đường du lịch” ở châu Á, với lượng khách đến rất đông. Hiện Thái Lan đang tập trung quảng bá "sức mạnh mềm" 5F - Fight (Võ thuật), Food (Ẩm thực), Festival (Lễ hội), Fashion (Thời trang) và Film (Phim)... để thu hút du khách.

Tết Songkran là một lễ hội lớn nhất trong năm của Thái Lan, thu hút hàng triệu du khách. Tham gia lễ hội, du khách thoải mái tham gia các hoạt động và luôn được người dân địa phương chào đón. Đặc biệt, hội té nước Songkran diễn ra ở các khu vực đồng thời là trung tâm du lịch chính của Thái Lan. Năm 2023, Tết Songkran diễn ra từ ngày 13-16/4, trong đó, lễ hội té nước diễn ra tại tất cả các tỉnh, thành phố của Thái Lan, nhất là tại những địa danh du lịch nổi tiếng như Bangkok, Chiang Mai, Phuket, Lamphun, Khon Kaen hay Udon Thani...

Trên báo chí, Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết: Dựa trên số liệu thu thập từ hoạt động đặt chỗ cho Tuần lễ Songkran, ngoài khách đến từ các thị trường du lịch ngắn hạn còn có lượng lớn du khách Lào, Malasyia đi đường bộ đến các tỉnh giáp biên. Trung bình, mỗi khách quốc tế sẽ ở lại Thái Lan từ 3 - 4 ngày, tiêu khoảng 160 USD/ngày. Các chuyến bay quốc tế dự kiến sẽ tăng tần suất thêm 20 chuyến trong dịp lễ Songkran, chủ yếu từ các thị trường bay ngắn như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và Campuchia. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng dịp nghỉ lễ này sẽ mang lại 18,5 tỷ bạt (gần 550 triệu USD).

Là một quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc là một điểm đến ưa thích của du khách. Nơi đây không chỉ có phong cảnh đẹp, thời trang, âm nhạc K-pop, ẩm thực mà còn có lịch sử và nét văn hóa Á Đông độc đáo. Lượng khách du lịch nước ngoài tới thăm Hàn Quốc trong năm 2019 ước đạt 17,5 triệu người, mang lại nguồn thu 21,56 tỷ USD cho xứ sở kim chi.

Xu hướng yêu thích khám phá văn hóa của du khách đã mang đến cho ngành kinh doanh lưu trú Hàn Quốc cơ hội sáng tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa. Trong đó có hai sản phẩm độc đáo là lưu trú tại nhà truyền thống Hanok (Hanokstay) và lưu trú tại đền chùa (Templestay). Mở rộng khai thác loại hình cơ sở lưu trú văn hóa truyền thống không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của Hàn Quốc ra thế giới...

Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới với khoảng 90 triệu khách mỗi năm, doanh thu đạt 7,4% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, cung điện Versailles là một địa điểm được tham quan nhiều nhất. Công trình này được xây dựng vào thế kỷ XVII  với kiến trúc phong cách cổ điển, lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại, xen lẫn với nét nghệ thuật Baroque. Năm 1979, Versailles đã được UNESCO ghi danh di sản văn hóa thế giới.
 
Không chỉ là cung điện tráng lệ nhất và xa hoa bậc nhất châu Âu với các phong cách kiến trúc khác nhau, cung điện này còn được khôi phục thành một bảo tàng lịch sử, trưng bày 33 bức tranh liên quan đến những trận đánh vang dội trong lịch sử nước Pháp. Để chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh quan ở cung điện Versailles, du khách có thể phải mất hơn nửa ngày.  Năm nay, Le Grand Controle - khách sạn trong khuôn viên cung điện đã mở cửa năm 2021, mang đến trải nghiệm nghỉ dưỡng xa xỉ cho du khách cao cấp với mức giá ít nhất là khoảng 50 triệu đồng...

Việt Nam ưu tiên phát triển du lịch văn hóa

Chú thích ảnh
Giới thiệu văn hóa của các vùng miền đến với công chúng và du khách tại Tuần lễ Festival Huế 2022. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Với bề dày tài nguyên văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng, Việt Nam cũng có mong muốn phát triển du lịch văn hóa mạnh mẽ hơn. Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Ở Việt Nam, Chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định các dòng sản phẩm ưu tiên cần tập trung phát triển trong đó có du lịch biển, du lịch văn hoá và du lịch sinh thái. Trong du lịch văn hoá ưu tiên phát triển du lịch di sản, lễ hội, tìm hiểu văn hoá lối sống…, các giá trị văn hoá có mặt trong mọi loại hình, sản phẩm khác. 

Xuất phát từ kết quả bước đầu của Festival Việt - Pháp năm 1992, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên ý tưởng tổ chức một Festival với qui mô lớn, chất lượng cao hơn. Đến năm 2000, Festival Huế quy mô quốc gia và có tính quốc tế đầu tiên đã diễn ra. Từ đó đến nay, sự kiện này đã được xác định là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa nhiều quốc gia; đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế. 

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế cho biết, Festival Huế bản chất là Festival văn hóa. Ngay từ khi nghiên cứu xây dựng mô hình Huế - thành phố Festival, địa phương đã tham khảo, nghiên cứu nhiều mô hình trên thế giới. Nhưng thế mạnh lớn nhất của Huế chính là văn hóa, di sản. Chính vì vậy, Huế khai thác những giá trị của văn hóa, di sản để làm nên chất liệu của Festival. Có thể thấy Festival Huế là dịp quảng diễn văn hóa, hội tụ tinh hoa, lan tỏa các giá trị văn hóa, thu hút du khách. Đó là cách mà Huế vừa quảng bá vừa xây dựng thương hiệu.

Từ năm 2022, Festival Huế được tổ chức theo hình thức lễ hội bốn mùa, hướng đến thành sản phẩm để phát triển du lịch, tô đậm thêm cho thương hiệu Festival Huế, tiếp cận phù hợp, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu mới của du khách.

Năm 2023, Festival Huế được mở đầu bằng Lễ Ban Sóc tại Ngọ Môn - Đại Nội Huế vào ngày 1/1, kết thúc với chương trình Countdown ngày 31/12/2023, điểm nhấn là Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” (từ ngày 28/4 đến ngày 5/5). Bốn mùa lễ trong năm 2023 đều có những điểm nhấn đáng chú ý. Trong đó Lễ hội “Xuân Cố đô” (tháng 1 – 3) lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Hoàng Mai quy mô toàn quốc nhằm hướng tới xây dựng Thừa Thiên -Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.

Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 – 6) với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” và các hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi danh. Lễ hội “Huế vào thu” (tháng 7 – 9) thì điểm nhấn là Lễ hội Áo dài gắn với Tuần lễ Áo dài cộng đồng, vui Tết Trung Thu... Còn Lễ hội mùa Đông “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10 – 12) gắn với Festival Âm nhạc quốc tế và chào đón năm mới. Festival Huế 2023 tiếp tục khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh, tăng sức hút của điểm đến, góp phần phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế xã hội của địa phương, để Huế thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Không chỉ Huế, thời gian qua, nhiều địa phương của Việt Nam cũng bước đầu tổ chức thành công những sự kiện lớn mang tính chất lễ hội gây được sự chú ý của quốc tế. Có thể kể đến Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival lúa gạo Hậu Giang, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Festival Hoa Đà Lạt... 

Có thể nói là những lễ hội trên đã trở thành “hiệu ứng văn hóa”, có sự giao hòa quyện, giao thoa văn hóa Việt Nam với thế giới, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong nước, quốc tế.

Bài cuối: Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa 

Thanh Giang (TTXVN)
Du lịch văn hóa - Bài cuối: Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa
Du lịch văn hóa - Bài cuối: Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa

Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú. Nguồn lực này được khai thác để phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp văn hóa. Cũng từ đó, du lịch đóng góp tích cực trong bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN