Giới trẻ ưu tiên du lịch tự túc
Khác với các thế hệ trước, giới trẻ Việt Nam hiện nay ưu tiên du lịch tự túc thay vì các tour du lịch trọn gói. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành thị trường Việt Nam của Klook, hơn 70% du khách trẻ lựa chọn hình thức này. Nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố tài chính và mong muốn tự do khám phá, trải nghiệm theo ý thích cá nhân mà không bị gò bó trong khuôn khổ của các tour tổ chức sẵn.
Khảo sát từ Klook Travel Pulse 3.0.
Theo khảo sát từ Klook Travel Pulse 3.0, có 91% du khách trẻ sẵn sàng dành một nửa ngân sách cho các trải nghiệm thực tế, thay vì đầu tư vào vé máy bay hay lưu trú cao cấp. Đặc biệt, Gen Z tại Việt Nam có xu hướng chọn những điểm đến ít người biết, các tour phiêu lưu hoặc kỳ nghỉ "detox kỹ thuật số" để tối ưu hóa trải nghiệm cá nhân, tránh xa sự xô bồ của cuộc sống hiện đại.
Đáng chú ý, mạng xã hội được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng du lịch tự túc, trở thành công cụ quảng bá mạnh mẽ cho các địa điểm du lịch. Báo cáo Klook Travel Pulse 3.0 cho thấy, 79% du khách lựa chọn các hoạt động du lịch, khách sạn và trải nghiệm ăn uống dựa trên gợi ý từ mạng xã hội. Đặc biệt, 27% sẵn sàng chi thêm 20% chi phí chỉ để ghé thăm những địa điểm nổi tiếng trên Instagram hoặc TikTok.
Tại Việt Nam, hơn 90% du khách lựa chọn điểm đến dựa vào độ nổi tiếng trên mạng xã hội hoặc vì cảnh đẹp đáng để chụp ảnh. Gen Z chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực du lịch, trong khi thế hệ Millennials thường tìm kiếm lời khuyên từ các blogger và vlogger.
Mùa hoa Mận tại Mộc Châu thu hút giới trẻ đến check-in nhờ mạng xã hội dẫn dắt.
Điển hình là sự bùng nổ du lịch của Mộc Châu sau Tết Nguyên đán 2025. Khi cảnh rừng hoa mận đẹp như tranh vẽ được chia sẻ trên TikTok đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến chụp ảnh. Hay như huyện Tam Đường (Lai Châu), nơi đã tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để quảng bá du lịch, giới thiệu các điểm đến độc đáo và văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc. Nhờ vào chiến lược này, du lịch Tam Đường đã phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương.
Có thể nói, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ mạng xã hội và sự thay đổi trong thói quen du lịch của giới trẻ, du lịch tự túc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong tương lai. Các điểm đến không chỉ dựa vào các tour truyền thống mà phải sáng tạo, thích ứng để thu hút du khách trẻ. Việc quảng bá du lịch qua mạng xã hội cùng sự phát triển của các loại hình du lịch như trekking, du lịch cộng đồng sẽ thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam bền vững.
Xu hướng du lịch bền vững
Du lịch bền vững không còn là xu hướng ngắn hạn mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu trong ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo khảo sát từ Agoda về du lịch bền vững năm 2025, có 77% du khách Việt ưu tiên yếu tố bền vững khi lập kế hoạch du lịch, cao hơn mức trung bình toàn châu Á (68%).
Theo đó, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có mức độ quan tâm cao nhất đến du lịch bền vững, chỉ sau Philippines (86%), Ấn Độ (82%), Đài Loan (80%) và Malaysia (80%). Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Agoda Việt Nam cho biết, du khách Việt ngày càng quan tâm đến tính bền vững và lựa chọn những dịch vụ, hoạt động thân thiện với môi trường.
Một điểm du lịch "xanh" tại tỉnh Quảng Ninh.
Không chỉ thể hiện qua nhận thức, du khách Việt còn có hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Cuộc khảo sát cho thấy, 27% du khách ưu tiên trải nghiệm văn hóa địa phương, 19% mong muốn đóng góp vào nền kinh tế bản địa, 22% chọn du lịch vào mùa thấp điểm để giảm tải áp lực lên các điểm đến và 21% ưu tiên cơ sở lưu trú đạt chứng nhận bền vững.
Báo cáo của Booking.com cũng chỉ ra rằng, 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ và 94% mong muốn thực hiện các chuyến đi thân thiện với môi trường hơn trong năm tới. Tuy nhiên, một số người vẫn bày tỏ sự mệt mỏi khi nghe quá nhiều về biến đổi khí hậu, 40% cho rằng những tổn thất môi trường đã xảy ra là không thể khắc phục.
Du khách trải nghiệm du lịch tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), một trong những điểm du lịch xanh và bền vững của thành phố.
Nhìn chung, sự chuyển mình từ du lịch nghỉ dưỡng đơn thuần sang du lịch có tác động tích cực đến cộng đồng và môi trường đang là xu thế tất yếu. Các chuyến đi không còn chỉ là việc tham quan mà là cơ hội để du khách tham gia vào các dự án bảo tồn, hoạt động cộng đồng hoặc giao lưu văn hóa.
Theo ngành du lịch, du khách hiện nay đang tìm kiếm những sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên, văn hóa, sức khỏe và cộng đồng. Những lựa chọn này không chỉ giúp bảo tồn giá trị di sản mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là khi nhận thức và hành động của du khách ngày càng đi đôi với nhau. Các sáng kiến như giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng năng lượng tái tạo và khuyến khích du lịch có trách nhiệm đang ngày càng trở nên phổ biến. Sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới.