Du lịch “chộp giật” không có đất sống trong dịp nghỉ lễ

Dù có tới 4 ngày nghỉ nhưng hoạt động du lịch, điểm vui chơi giải trí dịp Tết Dương lịch diễn ra trầm lắng, điều này cho thấy khó khăn kinh tế tác động lớn đến việc lựa chọn đi du lịch của người dân.

 

Du lịch nội địa chững lại


Trong dịp nghỉ lễ như thế này, thường náo nhiệt là tour nội địa nhưng năm nay, dấu hiệu chững lại rõ nét. “Nguyên nhân do khó khăn kinh tế khiến nhu cầu người dân có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, giá tour nội địa có sử dụng đường hàng không còn cao hơn tour đi nước ngoài đã khiến không nhiều người lựa chọn”, anh Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc công ty Vievision Travel cho biết.


 

Du khách tham quan Đại Nội Huế.

 

Thay vì đi chơi xa, người dân thường chọn các điểm vui chơi cự ly gần. Với thị trường khách Hà Nội, khu vực Ba Vì, Flamengo Đại Lải (Vĩnh Phúc) với cự ly di chuyển dưới 100 km trở thành địa điểm thích hợp cho các gia đình có trẻ nhỏ hoặc các nhóm thanh niên có nhu cầu sinh hoạt ngoại khóa. Với cự ly này, hầu hết các gia đình tự tổ chức “tour”và lượng khách cũng không quá đông. Do đó, ước tính lượng khách tăng chỉ khoảng 10-15% so với ngày thường. Trong khi đó, tại công viên văn hóa Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh), dịp này mỗi ngày đón tới 25.000 lượt khách; tấp nập hơn là khu du lịch Suối Tiên do có không gian rộng và nhiều trò chơi hấp dẫn.


Theo anh Việt Hưng, HDV Hanoi Redtour nhận xét: Nhìn chung, các điểm du lịch khu vực miền Trung kém sôi động so với năm trước. Trước dịp Tết Dương lịch, có vài thông tin điểm du lịch hết phòng nhưng thực tế phòng trống rất nhiều, thậm chí họ mời chào giảm giá với nhiều dịch vụ ưu đãi. Chiêu “ôm phòng” để trục lợi khi khách đổ về dịp Tết qua đều lỗ nặng.


Thống kê của các hiệp hội du lịch các địa phương cho thấy, các khách sạn 3-5 sao tại khu vực miền Trung áp dụng chương trình giảm giá từ 10-15% nhưng công suất buồng phòng chỉ đạt từ 60-65%. Điều này trái ngược với quy luật hàng năm là khi đông khách, giá thường tăng khoảng 10%. Điều này cho thấy khách du lịch nội địa có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, các khách sạn cao cấp như: Fusion Maia, Furama Resort, Lifestyle Resort (Đà Nẵng), công suất phòng đạt mức từ 80-100%, chủ yếu là khách quốc tế. Còn khách sạn dưới 3 sao đều trong tình trạng công suất phòng đạt thấp.


Theo thống kê sơ bộ của Sở VH, TT& DL Đà Nẵng, dịp Noel và năm mới, lượng khách đến thành phố đạt gần 42.000 lượt (tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước), tuy nhiên chủ yếu là khách nội vùng.


Bà Dương Mai Lan, đại diện Vietravel cho biết: Trong ngày đầu năm 1/1/2013 có hơn 300 khách “xông đất” Việt Nam thông qua Vietravel tại các đầu cầu chính là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Riêng tại TP.HCM, có gần 160 khách đến từ thành phố Narita (Nhật Bản), Mỹ, Đức... Năm 2013 dự kiến du lịch Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhu cầu lựa chọn tour có nhiều thay đổi.


Theo đánh giá của các công ty lữ hành: Từ nay đến trước Tết Âm lịch là mùa làm ăn sôi động của loại hình inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và du lịch outbound (đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài) với điểm đến là các nước trong khu vực do giá rẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tâm linh; trong khi đó du lịch nội địa theo tour sẽ tăng trưởng không nhiều. Khách chủ yếu là tự tổ chức và đi cự ly gần.

 

Các điểm vui chơi: Không quá tải


Chị Thu Phương, nhà ở Ngã Tư Sở, (Hà Nội) đưa con đi siêu thị BigC chia sẻ: “Năm nay do khó khăn kinh tế nên dù nghỉ 4 ngày dịp Tết Dương lịch, gia đình tôi cũng không đi chơi đâu xa, một phần do thời điểm này lạnh quá nên không dám cho bọn trẻ đi chơi ngoài trời như công viên Thủ Lệ mà chuyển hướng cho vào các trung tâm mua sắm có hoạt động vui chơi”. Đó cũng là lý do trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, các trung tâm mua sắm như BigC, Vincom Bà Triệu có chỗ vui chơi rất đông khách lui tới. Tuy nhiên, lượng khách có đông hơn so với ngày thường nhưng không quá tải như dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua.


Lý giải hiện tượng này, đại diện Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho rằng: “Điểm vui chơi Hà Nội không nhiều, trong nhà lại càng ít nên các trung tâm thương mại như BigC, Vincom được nhiều người chọn đến vừa kết hợp mua sắm, vừa cho trẻ con vui chơi. Thực tế gần đây, người dân miền Bắc không có thói quen mua tích trữ thực phẩm cho Tết, hiện tượng khách hàng đến siêu thị gia tăng bởi đây cũng là một cách chơi Tết của người dân thủ đô.


Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam thừa nhận: Dịp Tết Dương lịch vừa qua cho thấy chỉ có những doanh nghiệp thương hiệu mạnh vẫn giữ được lượng khách ổn định bởi họ có niềm tin về chất lượng dịch vụ và giá cả; trong khi các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ đều gặp khó khăn do lượng khách giảm. Bên cạnh đó, tại các điểm du lịch, tình trạng làm ăn chộp giật, găm phòng, rồi thừa cơ hội khách đông đẩy giá sẽ không có đất sống trong thời kỳ khó khăn này. Do đó, đây là thời cơ để doanh nghiệp lữ hành bắt tay khách sạn để khẳng định uy tín, những điểm du lịch làm ăn giữ chữ tín, giá cả hợp lý; đồng thời cũng là dịp đào thải những doanh nghiệp làm ăn chộp giật.


Xuân Cường 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN