Tỉnh Điện Biên được đánh giá có nhiều lợi thế và tiềm năng du lịch của vùng Tây Bắc với quẩn thể di tích Điện Biên Phủ và nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc nơi đây. Mặc dù vậy, lượng khách đến với Điện Biên năm 2011 còn rất khiếm tốn với 350.000 lượt, trong đó có hơn 64.000 lượt khách quốc tế. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Đoàn Văn Trì (ảnh), Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Điện Biên về định hướng phát triển du lịch Điện Biên tạo thành điểm nhấn trong Vòng cung Tây Bắc.
Điện Biên từ lâu đã được du khách biết là điểm du lịch lịch sử nhưng sản phẩm còn nghèo nàn. Vậy trong thời gian tới Điện Biên sẽ tập trung phát triển lĩnh vực nào?
Có 4 vấn đề chúng tôi quan tâm để phát triển du lịch Điện Biên gồm: tạo cơ chế chính sách thuận lợi thu hút đầu tư du lịch; phát triển sản phẩm là tuyên truyền quảng bá và quan tâm nhất hiện nay là vấn đề nguồn nhân lực. Hiện nay nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch Điện Biên chỉ hơn 2.000 người và còn nhiều lao động gián tiếp. Tuy nhiên, số lượng làm du lịch có trình độ chuyên môn còn khiêm tốn. Chúng tôi mới tổ chức lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho hơn 200 học viên mà các học viên này ở hoàn toàn các bản để định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Nguồn kinh phí đào tạo này kết hợp với Sở Lao động Thương binh & Xã hội qua đề án đào tạo nghề cho nông dân. Đây là nền tảng để bên cạnh điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.
Vậy Điện Biên sẽ triển khai chi tiết quy hoạch phát triển du lịch như thế nào để hình thành điểm du lịch hấp dẫn, thưa ông?
Điện Biên đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch từ năm 2008 với chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020. Đề án quy hoạch du lịch này cũng đã xác định vùng, điểm hình thành du lịch và sẽ triển khai thành quy hoạch chi tiết. Do có quy hoạch sớm nên khu du lịch lịch sử tại thành phố Điện Biên Phủ và vùng lân cận trong khu vực lòng chảo không bị ảnh hưởng. Còn các khu vực bên ngoài như ở khu vực hang động Pa Thơm, khu vực nước nóng U Va, khu vực khu sinh thái nước nóng Bản Sáng cũng chưa ảnh hưởng gì tác động lớn về môi trường và đang thu hút các nhà đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch theo chuyên đề.
Trong quy hoạch chi tiết, chúng tôi xác định đâu là vùng lõi, đâu là vùng phụ cận bên ngoài nên việc bảo tồn vẫn tương đối là tốt. Từ quy hoạch này, chúng tôi sẽ hình thành các khu du lịch để kêu gọi thu hút đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên. |
Thưa ông, có một thực tế, so với các tỉnh Tây Bắc, Điện Biên có một lợi thế là điểm di tích lịch sử nhiều người biết đến và hệ thống giao thông khá thuận tiện. Vậy mà lượng khách đến Điện Biên chưa nhiều. Ông có thể cho biết lý do từ đâu?
Theo các doanh nghiệp lữ hành vùng Tây Bắc, Điện Biên có thể đón khách quốc tế từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang (theo QL279). Với hạ tầng đang được nâng cấp, sự giao lưu giữa Điện Biên với Luông Pha Băng- một điểm du lịch nổi tiếng của Lào- sẽ thuận lợi hơn trong việc đón khách du lịch đường bộ qua cửa khẩu này sẽ tăng lên. Điện Biên có thể tiếp cận trực tiếp hai thị trường khách quốc tế là Lào và Trung Quốc và gián tiếp là lượng khách quốc tế quá cảnh trung chuyển giữa các nước Đông Nam Á với thị trường Trung Quốc rộng lớn. |
Lượng khách đến Điện Biên tăng đều qua các năm nhưng còn khiêm tốn. Trong năm 2012 chúng tôi dự kiến đón khoảng 400.000 lượt khách, trong đó có khoảng 70.000 lượt khách quốc tế. Đúng là lên Điện Biên, giờ đường xá đã khá thuận lợi, hơn nữa lại có đường hàng không nhưng lượng khách so với các tỉnh lân cận không cao do ít sản phẩm du lịch hấp dẫn. Điện Biên nổi tiếng với di tích lịch sử Điện Biên Phủ nhưng nếu đi tham quan khu trận địa A1 và hầm tướng Đờ cát và cả đến thăm Mường Phăng, là nơi đóng quân của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của ta thì hết gần 2 ngày. Do đó muốn du khách lâu hơn phải phát triển điểm tham quan mới. Hiện chúng tôi chú trọng loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái tại khu du lịch Phá Khoang (gần điểm di tích Mường Phăng), cảnh quan dọc sông Đà, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với điểm cực tây tổ quốc Apachai.
Bên cạnh đó là liên kết du lịch với các tỉnh Tây Bắc mở rộng qua đường 6 nối từ Hoà Bình- Sơn La- Điện Biên- Lai Châu và qua đường 4 nối tới Lào Cai. Việc liên kết giữa các tỉnh Tây Bắc sẽ tạo cơ sở để Điện Biên thu hút nhiều du khách.
Xin cám ơn ông!Bài và ảnh: Xuân Minh