Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, việc ngành du lịch hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cơ bản của năm 2012 là một thành công lớn, được coi là điểm sáng trong nền kinh tế – xã hội với tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 6,8 triệu lượt (kế hoạch là 6,5 triệu lượt).
Bước chuyển trong điều kiện khó khăn
Theo thống kê, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2012 đạt hơn 6,8 triệu lượt khách, tăng 13,86%.
Khách du lịch tham quan khu động Thiên Đường (Quảng Bình). |
Đáng chú ý, có hơn 4,1 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch, nghỉ ngơi, tăng 14,23% so với năm 2011. Điều này cho thấy định hướng chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, hướng tới lượng khách chi trả cao, đã có những ghi nhận bước đầu. Trong năm 2012, các thị trường truyền thống và gần có mức tăng trưởng khá cao. Tăng nhiều nhất là khách Nga với 71,49%; tiếp đến là Phần Lan tăng 42,87%; Hàn Quốc tăng 30,67%; Malaixia tăng 28,27%; Lào tăng 27,16%; Thái Lan tăng 24,22%; Nhật tăng 19,7%, Thụy Điển tăng hơn 19% so với năm 2011...
Đại diện các doanh nghiệp du lịch cho biết, khách đến từ thị trường Nga năm 2012 đạt trên 174.000 lượt, có khả năng chi trả cao, ở dài ngày. Hầu hết khách Nga đều chọn các bãi biển miền Trung để nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, để thu hút tiếp lượng khách từ thị trường Nga, các doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng, các điểm du lịch cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để cạnh tranh với các điểm đến của các nước lân cận.
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nội địa trong năm 2012 đạt 32,5 triệu lượt, tăng 8,33% so với năm 2011. Tổng thu từ khách du lịch đạt 160.000 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm 2011. “Tổng thu xã hội là 300.000 tỷ đồng, đóng góp 6,5% GDP, tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động và góp phần cho nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Nhiều giải pháp vượt những lực cản
Dù hoàn thành kế hoạch được giao nhưng ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, vẫn còn nhiều lực cản như vấn đề môi trường bền vững cho phát triển du lịch, việc giá đầu vào đang tăng đẩy giá tour tăng trong năm 2013. Bên cạnh đó, ngân sách dành cho xúc tiến du lịch lại giảm. Kinh phí đầu tư cho xúc tiến quảng bá chỉ bằng 5-6% so với các nước trong khu vực, rất khó để làm chương trình hiệu quả.
Đồng quan điểm này, một đại diện doanh nghiệp du lịch cho biết: Thống kê tại các nước du lịch phát triển cho thấy, thu trực tiếp từ du lịch khoảng 30%, còn lại thu từ xã hội là 70%. Muốn vậy phải tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn và Nhà nước có chính sách thu hút xã hội đầu tư vào du lịch. Đơn cử như tại các bãi biển đẹp thu hút khách nhưng người dân không được hưởng lợi từ du lịch thì sẽ quay lưng. Do đó, các địa phương có chính sách để người dân cùng tham gia đầu tư cho du lịch, từ đó mới có thể tạo sản phẩm đặc trưng, giảm giá tour.
“Trước những khó khăn về kinh tế trong năm 2013 và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng chương trình kích cầu du lịch, giảm giá tập trung vào mùa thấp điểm để báo cáo Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch. Nếu triển khai đồng bộ, dự kiến năm 2013 ước đón 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế và quan trọng là chuyển hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng doanh thu, lợi nhuận, mang lại hiệu quả kinh tế. Đây là hướng đi chiến lược của ngành đã được khẳng định”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Bên cạnh đó, sau khi Tổng cục Du lịch ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách, trong năm 2012 đã có khoảng 50% điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Dự kiến, đến năm 2014, tất cả các điểm du lịch có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn.
Đi du lịch đang trở thành thói quen của người dân, do đó xu thế phát triển du lịch, nhất là du lịch nội địa sẽ tăng nhanh. Nhất là biện pháp hoán cải ngày nghỉ dịp lễ Tết để tăng ngày nghỉ, tạo thành tuần lễ vàng cho du lịch. Tuy nhiên, đi cùng với đó là vấn đề quản lý điểm đến tại địa phương. Thực tế, mỗi khi có nhiều ngày nghỉ, khách đến điểm du lịch đông thì lại xảy ra tình trạng chặt chém; hạ chất lượng dịch vụ xuống thậm tệ. Do đó, chính quyền địa phương cần vào cuộc cùng doanh nghiệp du lịch để đảm bảo chất lượng du lịch.
Xuân Minh