'Đánh thức' tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử tại Ninh Bình

Vùng đất Cố đô - Ninh Bình thừa hưởng những di sản lịch sử, văn hóa của vùng kinh đô cổ hơn nghìn năm lịch sử.

Chú thích ảnh
Các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Hoa Lư thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Trước những tiềm năng vốn có, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. 

Miền đất cổ kính với nhiều di tích lịch sử - văn hóa

Khu Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư có hơn 30 di tích, trong đó đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành là hai di tích đặc biệt quan trọng với những kiến trúc cổ độc đáo đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá ở thế kỷ XVII. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Kinh đô Hoa Lư đã trở thành một vùng văn hóa đặc sắc. Những dấu tích, di tích tại Hoa Lư đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa từ xa xưa để lại.

Theo tài liệu nghiên cứu, Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300ha gồm Thành Ngoại, Thành Nội, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá, cảnh quan hùng vĩ. Hiện nay, những dấu tích lịch sử - văn hóa vẫn còn tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, gồm hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hang động... như đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, chùa và động Am Tiên, chùa Nhất Trụ, đình Yên Trạch, chùa Ngần, lăng Vua Lê, hang Muối, hang Quàn... Trong số đó, 14 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 8 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Đặc biệt, đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Vua Lê Đại Hành khởi đầu được xây dựng ngay trên nền móng của cung điện xưa để nhân dân thờ cúng, tưởng nhớ công lao của các bậc tiên đế. Đến thế kỷ XVII, đền được tu sửa, xây dựng lại với kiến trúc độc đáo, nghệ thuật điêu khắc gỗ và đá đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Ngoài điểm di tích kể trên, khu vực Cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ hàng ngàn di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Với những giá trị văn hóa, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Cố đô Hoa Lư là một trong ba vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO chính thức công nhận là di sản kép (văn hóa và thiên nhiên) đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á vào năm 2014.

Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư cho biết, với những tiềm năng về lịch sử văn hóa, Trung tâm đã chủ động, tăng cường trong công tác tuyên truyền quảng bá, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà trường, các đơn vị lữ hành đưa khách về tham quan, trải nghiệm như: giảm giá vé vào cổng và miễn phí dịch vụ hướng dẫn viên nhằm giúp các học sinh, du khách hiểu thêm về lịch sử của tỉnh Ninh Bình nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc trình chiếu để đưa hiện vật, kết quả khai quật khảo cổ học đến gần hơn với du khách. Từ đó, khách tham quan sẽ có những trải nghiệm về sản phẩm du lịch độc đáo. 

Để tăng thêm tính hấp dẫn cho du khách đến tham quan các khu, điểm du lịch, huyện Hoa Lư tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, mở lớp hát Chèo, hát Văn, thành lập câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ phục vụ tại khu, điểm du lịch, trong dịp lễ hội. Đây được xem là một trong những hoạt động quan trọng được duy trì thường xuyên nhằm tăng thêm "gia vị" để tăng tính hấp dẫn đối với sản phẩm du lịch truyền thống của Hoa Lư. Năm 2022, huyện Hoa Lư đón trên 2,4 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 1.260 tỷ đồng. Những dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng du khách đang tạo đà cho sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm tới. Năm 2023, huyện phấn đấu đón 3,9 triệu lượt khách. 

Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch

Là địa phương ken dày các giá trị lịch sử - văn hóa, trong đó, có hệ thống các di tích, Ninh Bình hiện có 1821 di tích được kiểm kê, trong đó, 395 di tích đã được xếp hạng, gồm một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có ba di tích quốc gia đặc biệt), 314 di tích cấp tỉnh. 

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển du lịch một cách bền vững, với các mục tiêu, định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2045 xác định chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược của tỉnh, trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa và truyền thống tốt đẹp của Cố đô Hoa Lư, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, chất lượng cao, mang thương hiệu du lịch Ninh Bình, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư, đưa Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp, xứng đáng là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực. 

Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp di tích bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trong thời gian từ năm 2017 - 2022, bằng nguồn ngân sách của tỉnh, 130 lượt di tích được thực hiện tu bổ chống xuống cấp với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2018 - 2022, từ nguồn vốn đầu tư công, 50 lượt di tích được hỗ trợ để thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng số hơn 189 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình khẳng định, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý giá góp phần tạo nên sức hút, hình ảnh, giá trị của du lịch địa phương. Đó sẽ là tiền đề để du lịch Ninh Bình bứt phá trong thời gian tới, mang lại những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, cách làm nhằm giải quyết hài hòa sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, trong đó công tác tuyên truyền cho cộng đồng được chú trọng. Trong quy hoạch, thực hiện các dự án bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã tính đến yếu tố sự tham gia của cộng đồng dân cư, lợi ích của nhân dân địa phương và kinh phí bảo vệ, tu bổ di tích từ nguồn thu du lịch.

Chú thích ảnh
Các em học sinh tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh phối hợp cùng các cấp, ngành liên quan tiếp tục khai thác yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa địa phương để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Ninh Bình dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống địa phương; đồng thời phát huy các giá trị di sản nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Ninh Bình.

Ngành đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích đúng quy định của pháp luật hiện hành sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững. Một yếu tố không thể thiếu đó là phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, thực hiện bảo tồn di sản văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương; phát triển du lịch có trách nhiệm hướng tới chia sẻ hài hòa lợi ích, trong đó đảm bảo lợi ích cho cộng đồng và du khách.

Hải Yến  (TTXVN)
Gìn giữ và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia tại Ninh Bình
Gìn giữ và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia tại Ninh Bình

Ninh Bình là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN