Theo ông Lê Mạnh Hà, qua nắm bắt thông tin sơ bộ, một số công ty du lịch đang rao bán các tour trên mạng với mức giảm giá đến 40 - 50%, sau khi người dân đăng kí mua tour du lịch này và chuyển khoản thành công thì các công ty du lịch cũng mất liên lạc. Đây là một thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức bán tour du lịch giảm giá. Để tránh sập bẫy các công ty du lịch này, người dân cần cảnh giác khi mua tour du lịch giá rẻ trên mạng.
"Khi mua tour du lịch, người dân có thể đến trụ sở các công ty để kiểm tra thông tin công ty du lịch và mua tour trực tiếp hoặc có thể kiểm tra thông tin pháp nhân của các công ty du lịch xem có trụ sở đăng kí hay không, có tư cách pháp nhân kinh doanh bán tour du lịch hay không...", ông Lê Mạnh Hà khuyến cáo.
Theo các công ty du lịch, hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, các cá nhân, đơn vị này tung ra các gói khuyến mại sâu đến 50 - 70% và đây là những mức giá rẻ đến khó tin. Sau khi người mua các sản phẩm này và chuyển tiền thành công, các công ty du lịch giá rẻ này cũng "biến mất".
Chia sẻ về những thủ đoạn lừa đảo tour giá rẻ, bán voucher du lịch... xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing Công ty TST tourist cho biết, trong bối cảnh chi phí xăng dầu và các chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, việc giữ giá tour ổn định hoặc tăng nhẹ đã là một nỗ lực của doanh nghiệp nên không có chuyện giảm giá quá nhiều để kích cầu du lịch như trước.
Ngoài ra, cũng vì chi phí giá tour nhích lên theo giá xăng dầu, giá vé máy bay... nên khách có xu hướng đi tự túc; nhưng trong lúc điểm đến nào cũng đông thì việc đi tự túc sẽ khá rủi ro cho du khách vì nguy cơ đến nơi nhưng không đặt được dịch vụ hoặc có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay khi mua tour trên mạng. "Các tour du lịch không thể có giá thật rẻ như các công ty rao bán trên mạng", ông Mẫn khẳng định.