Nguyên nhân do tình hình thời tiết không thuận lợi cùng tâm lý của du khách khi tình trạng du lịch quá tải, không tìm được phòng trọ.
Đáng chú ý trước đó, Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Lạt đã đưa ra dự kiến sẽ đón khoảng 180.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ lễ này, trong đó có khoảng 140.000 khách lưu trú, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố dự báo các ngày cao điểm (từ ngày 30/4-2/5), lượng khách đổ về cùng lúc sẽ khiến nhiều dịch vụ ở Đà Lạt quá tải.
Theo khảo sát từ ngày 20/4/2022, nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú ở Đà Lạt đã thông báo hết phòng trống trong các ngày cao điểm của kỳ nghỉ lễ năm nay. Giá phòng nhà nghỉ, khách sạn dịp này tăng từ 30-50% so với ngày thường, dao động từ 500.000 - 800.000 đồng/đêm/phòng 2 người, 900.000 -1.200.000 đồng đêm/phòng 4 người.
Tuy nhiên, trên thực tế, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm tại thành phố ngàn hoa chỉ đạt hơn 101.000 lượt, chiếm 76,5% tổng lượng du khách toàn tỉnh, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các khách sạn, nhà nghỉ tại thành phố Đà Lạt còn trống tới 30- 50% số phòng nghỉ.
Nguyên nhân do tình hình thời tiết không thuận lợi, tâm lý lo sợ cảnh tắc đường khi qua đèo Bảo Lộc và quá tải tại thành phố Đà Lạt. Trước đó, Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2022 diễn ra từ 23- 30/4, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021…
Tuy nhiên, một nguyên nhân khác cần được xem xét và rút kinh nghiệm cho các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn là tình trạng “cò du lịch” tung tin thiếu chính xác, đồn thổi gây sốt phòng ảo để thổi giá, nâng giá ảo khiến nhiều khách du lịch chán nản, bỏ chương trình tham quan nghỉ dưỡng do lo ngại không tìm được phòng nghỉ hoặc giá phòng tăng quá cao.
Anh Trần Quang D., 35 tuổi, trú tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đoàn của anh đã chủ động đặt phòng trước một tháng. Mặc dù anh đã chuyển tiền cho một trang thông tin chuyên về kinh doanh dịch vụ du lịch nhưng bất ngờ ngày 26/4, người của trang này gọi điện thoại thông báo hủy hợp đồng với lý do không sắp xếp được phòng nghỉ và trả lại tiền cọc. Sau khi liên hệ với người quen tại Đà Lạt, đoàn của anh mới thuê được căn villa và tận hưởng kỳ nghỉ của mình.
Tương tự, nhiều đoàn khách bỗng nhiên được thông báo hủy phòng đã đặt tiền trước với lý do chỉ nhận các đoàn đăng ký nghỉ từ 2 ngày trở lên. Được biết, đa số các trường hợp này, du khách đăng ký phòng nghỉ thông qua tổ chức, cá nhân trung gian chứ không đăng ký trực tiếp với chủ khách sạn, nhà nghỉ.
Mặt khác, tình trạng sốt ảo phòng nghỉ đã xảy ra do tổ chức, cá nhân trung gian kinh doanh phòng nghỉ đã “ôm” quá nhiều phòng và thổi giá để kiếm lời. Giá lên quá cao khiến du khách hủy chương trình đi Đà Lạt, xảy ra tình trạng ít người đặt phòng, những “trung gian” hay còn gọi là “cò du lịch” này bị “vỡ trận”, ồ ạt trả lại phòng cho chủ khách sạn, nhà nghỉ…
Trước đó, trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ 29/1 đến 5/2), trên 86.000 lượt khách du lịch đến Lâm Đồng đón Xuân, nghỉ dưỡng với hơn 2.800 khách quốc tế, trong đó có tới trên 82.000 khách đến Đà Lạt. Tình trạng này khiến hệ thống lưu trú quá tải, nhiều du khách không tìm được phòng nghỉ.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng và kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2022, toàn tỉnh đón khoảng 317.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3.500 lượt khách; khách nội địa ước đạt 313.500 lượt khách.
Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2022 diễn ra từ ngày 23-30/4/2022 đã đón khoảng 185.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/4, toàn tỉnh ước đón khoảng 132.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt 1.500 lượt, khách nội địa ước đạt 130.500 lượt…